Kể từ năm 2007, sau khi iPhone ra mắt, số lượng chấn thương đầu liên quan đến smartphone tăng mạnh, theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí chuyên ngành JAMA.
"Chiếc điện thoại không đơn thuần là điện thoại nữa mà đã trở thành nền tảng di động. Nó khiến mọi người không còn chú ý đến những gì xung quanh", Boris Parkshover, nhà phẫu thuật đầu và cổ tại trường y khoa Rutsgers, New Jersey, tác giả của nghiên cứu cho biết.
Các số liệu từ 1998-2017 liên quan đến những chấn thương đầu và cổ do sử dụng điện thoại, được thống kê tại khoảng 100 bệnh viện trên toàn nước Mỹ cho thấy có 2.501 vụ chấn thương liên quan tới điện thoại. Khoảng 40% trong số này thuộc về người trẻ (13-29 tuổi), và chấn thương phổ biến nhất là vết cắt.
Vừa đi bộ vừa sử dụng điện thoại là nguyên nhân của nhiều tai nạn. Ảnh: Getty. |
Chấn thương do sử dụng điện thoại có thể đến trực tiếp từ chiếc điện thoại như khi người dùng đánh rơi điện thoại vào mặt, hoặc gián tiếp gây ra vì mất tập trung. Trẻ em dưới 13 tuổi là đối tượng bị chấn thương trực tiếp nhiều nhất, trong khi người trên 50 tuổi thường bị gián tiếp.
Ông Parkshover nhận định các chấn thương gián tiếp, do mất tập trung khi sử dụng điện thoại là đáng lo ngại nhất. Nạn nhân có thể gặp họa khi dùng điện thoại trong lúc đi bộ hoặc lái xe. Trong số các tai nạn, có tới 90 trường hợp người dùng mất tập trung vì chơi Pokemon Go.
Tuy nhiên, phần lớn tai nạn không quá nghiêm trọng. Có 95% nạn nhân được về nhà sau khi sơ cứu và không cần điều trị. Dù vậy, nghiên cứu này mới chỉ tính đến các chấn thương đầu và cổ, chứ chưa tính tới tổn thương ở các bộ phận khác.
"Tôi nghĩ những tai nạn thường được bỏ qua. Nếu một người trượt chân khi đang dùng điện thoại, họ sẽ không nói nguyên nhân là chiếc điện thoại", ông Parkshover cho biết. Vị bác sĩ này chỉ gặp bệnh nhân khi trường hợp của họ đã khá tệ và cần phải sơ cứu.
"Bạn có bao giờ thấy hai người chỉ đi bộ không mà va vào nhau không? Rõ ràng người ta sẽ không bao giờ vừa đọc báo vừa đi bộ, nhưng họ lại làm thế với điện thoại", bác sĩ Parkshover chia sẻ.