"Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã chính thức ký kết khung thỏa thuận hợp tác an ninh", AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết hôm 19/4.
Theo ông Uông, mục đích của việc hợp tác an ninh giữa Trung Quốc và Solomon là "để thúc đẩy ổn định xã hội, hòa bình và an ninh lâu dài ở Quần đảo Solomon, phù hợp với lợi ích chung của Solomon và khu vực Nam Thái Bình Dương".
Thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara sẽ cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực, cách bờ biển Australia khoảng 2.000 km, đồng thời cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới Quần đảo Solomon nếu nơi đây xảy ra bất ổn.
Bạo loạn trên đảo Solomon nổ ra hồi tháng 11/2021 để phản đối Thủ tướng Manaseh Sogavare. Trung Quốc sau đó đã gửi cố vấn cảnh sát và dụng cụ chống bạo động cho hòn đảo này.
Đại sứ Trung Quốc tại Quần đảo Solomon Li Ming (trái) và quan chức ngoại giao Solomon Colin Beck chụp hình với dự thảo hợp tác an ninh hai nước đã nhất trí hồi đầu tháng 4. Ảnh: Đại sứ quán Trung Quốc tại Solomon. |
Ngoại trưởng Australia Marise Payne hôm 17/4 lo ngại về “sự thiếu minh bạch” liên quan tới thỏa thuận an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon.
Thủ tướng Quần đảo Solomon Manaseh Sogavare hôm 1/4 tuyên bố sẽ không để Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại đây. Ngoại trưởng Australia nhận định đó là “những đảm bảo rất quan trọng”.
Bà Payne nói Australia vẫn sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon dù đối phương ký thỏa thuận với Trung Quốc.
Trước đây, Solomon và Australia cũng ký kết hiệp ước an ninh tương tự vào năm 2017, cho phép Canberra triển khai lực lượng đến quốc đảo Thái Bình Dương.
Thủ tướng Sogavare không giấu giếm ý định xích lại gần Trung Quốc. Năm 2019, ngay sau khi nhậm chức, ông tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Australia và Mỹ đã và đang tăng cường tương tác ngoại giao với Quần đảo Solomon, trong nỗ lực đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.