Trả lời truyền hình hôm 17/4, bà Payne cho biết vấn đề này “là điều cần được trao đổi trong bối cảnh rộng hơn của Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương” và “gia đình Thái Bình Dương” sẽ có vị thế tốt nhất để phản ứng trước các vấn đề an ninh khu vực, theo Bloomberg.
Nếu được ký, thỏa thuận giữa Bắc Kinh và Honiara sẽ cho phép tàu hải quân Trung Quốc neo đậu tại khu vực, cách bờ biển Australia khoảng 2.000 km, đồng thời cho phép Trung Quốc triển khai quân đội tới Quần đảo Solomon nếu nơi đây xảy ra bất ổn.
Ngoại trưởng Australia Marise Payne. Ảnh: Reuters. |
Trước việc Thủ tướng Quần đảo Solomon Manaseh Sogavare hôm 1/4 tuyên bố sẽ không để Trung Quốc lập căn cứ quân sự tại đây, Ngoại trưởng Payne hôm 17/4 nhận định đó là “những đảm bảo rất quan trọng”.
Bà Payne nói Australia vẫn sẽ tiếp tục hợp tác an ninh với Quần đảo Solomon dù đối phương ký thỏa thuận với Trung Quốc.
Australia, bên cạnh Mỹ, đã và đang tăng cường tương tác ngoại giao với Quần đảo Solomon. Đây là một phần trong nỗ lực quy mô lớn nhằm đối phó ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Mỹ, Australia và New Zealand đã cùng bày tỏ quan ngại về tác động của thỏa thuận trên đối với an ninh khu vực, khi bản thảo thỏa thuận bị rò rỉ trên mạng xã hội hôm 24/3.
Hôm 13/4, Australia đã công khai đề nghị Quần đảo Solomon từ bỏ thỏa thuận dự kiến với Bắc Kinh.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định quan hệ hợp tác an ninh của nước này với Quần đảo Solomon không nhằm vào bên thứ ba nào khác và cũng không đi ngược lại quan hệ hợp tác giữa Quần đảo Solomon với các nước.
Australia nên “tôn trọng chủ quyền và sự lựa chọn độc lập của Trung Quốc và Quần đảo Solomon, không nên khơi mào mâu thuẫn”, ông Triệu nói.