“Các quan chức Quần đảo Solomon và Trung Quốc đã ký kết Khuôn khổ Hợp tác An ninh song phương giữa hai nước vào hôm nay (31/3)”, văn phòng thủ tướng Solomon ở thủ đô Honiara tuyên bố.
Văn bản được ký kết sẽ cho phép Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare có quyền kêu gọi Trung Quốc bảo vệ và giúp Trung Quốc sở hữu một căn cứ ở Thái Bình Dương nằm giữa Mỹ và Australia.
Với căn cứ này, Trung Quốc có thể ngăn chặn giao thông hàng hải trên khắp khu vực Nam Thái Bình Dương.
Trước đó, Quần đảo Solomon ngày 25/3 đã xác nhận đang thiết lập quan hệ đối tác với Bắc Kinh để giải quyết các mối đe dọa an ninh, cũng như đảm bảo môi trường đầu tư an toàn.
Mỹ, Australia và New Zealand đã bày tỏ quan ngại về tác động của hiệp định trên đối với an ninh khu vực, khi bản thảo của hiệp định bị rò rỉ trên mạng xã hội hôm 24/3.
Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare cùng người đồng cấp Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: AP. |
Charles Edel, lãnh đạo bộ phận Australia của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), cho biết động thái trên là vấn đề nghiêm trọng với Mỹ và đồng minh trong khu vực.
“Việc một đối thủ chiến lược thiết lập căn cứ ở Solomon sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của Australia và New Zealand, gia tăng khả năng tham nhũng và khai thác quá mức tài nguyên”, ông Edel nói.
Thủ tướng Sogavare không giấu giếm ý định xích lại gần Trung Quốc hơn. Năm 2019, ngay sau khi nhậm chức, ông tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan để thiết lập quan hệ với Bắc Kinh.
Trước đây, Solomon và Australia cũng ký kết hiệp ước an ninh tương tự vào năm 2017, cho phép Canberra triển khai lực lượng đến quốc đảo Thái Bình Dương.