Ông Pradhan, cố vấn an ninh của thủ tướng Ấn Độ, đúc kết như vậy tại hội thảo quốc tế về biển Đông năm 2014 được khai mạc sáng 25/7 tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng (quận 7, TP.HCM).
Hội thảo diễn ra trong hai ngày 25 và 26/7 với sự tham dự của các chuyên gia về biển Đông như GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc), GS Ramses Amer (Trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc ĐH Stockholm, Thụy Điển), GS Nguyễn Mạnh Hùng (chuyên gia về chính trị và bang giao quốc tế ĐH George Mason, Hoa Kỳ) cùng những nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên đến từ các viện nghiên cứu, trường ĐH...
Quang cảnh hội thảo diễn ra ngày 25/7 tại Quận 7, TP HCM. Ảnh: Hà Bình. |
Nội dung hội thảo tập trung về chính sách quản lý xung đột, giải quyết tranh chấp thông qua việc chấp hành luật lệ quốc tế; phương thức quản lý xung đột bằng con đường ngoại giao, ôn hòa để giữ biển Đông thành một khu vực hòa bình, hợp tác và thịnh vượng. Hội thảo thu hút 22 bài tham luận của chuyên gia, học giả.
Trong phần trình bày của mình, cố vấn an ninh của thủ tướng Ấn Độ, ông Pradhan, đưa ra một tham luận “rút ra từ 40 năm thực tiễn”.
Sinh viên trường ĐH Tôn Đức Thắng tham gia hội nghị. Ảnh: Hà Bình. |
Ông Pradhan cho rằng tình hình biển Đông ngày càng căng thẳng và những xung đột trên biển Đông đang làm lu mờ những thành tựu của các nước trong khu vực đạt được trước đó.
“Chúng ta biết trong thời gian qua cộng đồng quốc tế đã nỗ lực thông qua những hiệp ước về biển Đông đã được ký kết. Tuy nhiên, những nỗ lực quốc tế đó không được Trung Quốc tôn trọng. Trung Quốc đã chiếm các bãi, đảo của các nước và tuyên bố chủ quyền ở những nơi Trung Quốc không có chủ quyền” - ông Pradhan nói.
Ông Pradhan kiến nghị cộng đồng quốc tế phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn và các nước đang tranh chấp dừng các động thái của mình lại.
GS Carl Thayer (Học viện Quốc phòng Úc) tại hội nghị ngày 25/7. Ảnh: Hà Bình. |
“Cộng đồng quốc tế phải có tiếng nói đủ mạnh và hỗ trợ các quốc gia nhỏ hơn, yếu hơn về an ninh trong khu vực” - ông Pradhan nói thêm.
TS Vũ Mạnh Cường (Trường ĐH Tôn Đức Thắng) cũng đưa ra quan điểm của mình trong phần trình bày “Hành vi nước lớn và vai trò của Liên Hiệp Quốc”.
Ông Cường cho rằng Liên Hiệp Quốc cần phải có tiếng nói mạnh hơn nữa trong những vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông gần đây.
Kết thúc phiên thảo luận sáng 25/7, GS Ramses Amer nói vấn đề lớn nhất ông nhìn thấy là Trung Quốc chỉ đòi đối thoại song phương chứ không phải là đa phương với các quốc gia có cùng vấn đề. Do đó, Việt Nam cần đẩy mạnh hơn đối thoại với các quốc gia trong khu vực, quốc tế chứ không chỉ đối thoại song phương với Trung Quốc.