'Trung Quốc hành xử theo kiểu cưỡng bức'
Báo cáo quốc phòng của Nhật Bản cho rằng, lối hành xử theo kiểu “cưỡng bức” của Trung Quốc ở vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông là rất nguy hiểm và có thể khơi mào biến cố.
Trong một cuộc họp nội các, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và các bộ trưởng đã thông qua sách trắng về quốc phòng, bản báo cáo thường niên đầu tiên về năng lực quốc phòng của Nhật và tình hình an ninh khu vực kể từ khi cuộc tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc bùng phát hồi năm ngoái.
|
Sách trắng quốc phòng Nhật cáo buộc Trung Quốc hành xử theo lối cưỡng bức. |
“Trung Quốc đã có hành vi mang tính cưỡng bức trong đó có cả những hành động nguy hiểm, đầy rủi ro. Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động như xâm nhập vào lãnh hải, xâm phạm không phận của Nhật Bản và thậm chí còn có những hành động nguy hiểm có thể gây ra biến cố”, sách trắng quốc phòng Nhật Bản khẳng định.
Theo báo cáo này, đặc biệt là vào tháng 1, tàu chiến Trung Quốc đã ngắm radar định vị tên lửa vào tàu khu trục Nhật Bản mặc dù Bắc Kinh ra sức phủ nhận hành động này.
“Đó là những hành động vô cùng đáng tiếc. Trung Quốc nên chấp nhận và tuân thủ những thông lệ quốc tế”, báo cáo này nhận định.
Trong nhiều tháng qua, các tàu Trung Quốc và Nhật Bản đã cáo buộc qua lại rằng phía bên kia xâm nhập vào vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Các tàu Chính phủ Trung Quốc thường xuyên tiến vào vùng lãnh hải rộng 12 hải lý quanh quần đảo này và đối đầu với tàu của Lực lượng canh gác bờ biển Nhật Bản.
Masayoshi Tatsumi, thư ký báo chí của Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cho biết bộ này đang thúc đẩy sự hợp tác giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng canh gác bờ biển để giám sát lãnh hải nước này.
“Chúng tôi đang thực thi mọi biện pháp có thể nhằm duy trì tình trạng sẵn sàng đối phó với các vấn đề trên lãnh hải chúng tôi, sử dụng máy bay và các thiết bị khác một cách linh hoạt”, ông Tatsumi nói.
Kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần II, Nhật Bản tuyên bố là quốc gia hòa bình tuy nhiên vẫn có 140.000 binh sĩ, 140 tàu quân sự và 410 máy bay, một phần của “các lực lượng phòng vệ”. Vừa qua, lần đầu tiên sau 11 năm, Nhật Bản đã tăng ngân sách quân sự lên 0,8% để tăng cường hoạt động quốc phòng tại các hòn đảo.
Sách trắng quốc phòng Nhật Bản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ trước lối hành xử ngày càng quyết liệt của Trung Quốc.
Các nhà bình luận cho rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là điểm nóng có nguy cơ xảy ra đối đầu quân sự giữa 2 cường quốc lớn nhất châu Á. “Senkaku có vai trò chiến lược đối với Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan”, Giáo sư Takehiko Yamamoto của Đại học Waseda ở Tokyo.
Ngoài Nhật Bản và Trung Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo này.
“Nhật Bản cần hợp tác với các quốc gia ASEAN để cùng nhau lôi kéo Trung Quốc tới đối thoại, tuy nhiên việc đó cần có thời gian”, Giáo sư Yamamoto nhận xét.
Tùng Lâm
Theo Infonet