Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc giúp kinh tế Nga thoát đòn trừng phạt

Một năm sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, kinh tế Nga không thiệt hại nặng nề như dự báo. Trung Quốc vẫn mua năng lượng từ Nga và thay phương Tây cung cấp máy móc, đồ điện tử.

Với việc gia tăng dự trữ nhân dân tệ, Moscow có thể dùng đồng tiền của Trung Quốc để ổn định đồng ruble và thị trường tài chính nước này. Ảnh: Reuters.

Theo CNN, sau khi phát động cuộc chiến ở Ukraine, Moscow hứng chịu những đòn trừng phạt chưa từng có từ phía phương Tây. Nhưng Trung Quốc đã ném "phao cứu sinh" cho kinh tế Nga.

Wall Street Journal đưa tin Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Putin sẽ gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh được tổ chức ở Moscow vào tháng 4 hoặc đầu tháng 5.

Trung Quốc hỗ trợ nền kinh tế Nga thông qua việc mua năng lượng của nước này. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây bao gồm cấm nhập khẩu những sản phẩm năng lượng từ Nga, áp trần giá dầu, loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT và đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương tại nước ngoài.

Trung Quốc mua năng lượng từ Nga

Hàng loạt động thái này nhằm giáng đòn vào nguồn thu của Nga. Nhưng doanh thu tài chính của Moscow vẫn tăng lên, chủ yếu nhờ giá năng lượng tăng vọt trong năm ngoái và nỗ lực của Điện Kremlin trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang những quốc gia khác như Trung Quốc và Ấn Độ.

Theo nhà phân tích Neil Thomas tại Eurasia Group, nhờ tăng cường thương mại với Nga, Trung Quốc đã làm suy yếu những nỗ lực trừng phạt của phương Tây.

Theo dữ liệu của hải quan Trung Quốc, thương mại giữa nước này và Nga đã đạt kỷ lục 190 tỷ USD trong năm ngoái. Riêng thương mại đối với nhóm năng lượng tăng vọt sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine.

Từ tháng 3 tới tháng 12, Trung Quốc đã mua 50,6 tỷ USD dầu thô từ Nga, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu than tăng 54% lên 10 tỷ USD, còn nhập khẩu khí đốt tự nhiên tăng 155% lên 9,6 tỷ USD.

Điều này tốt cho cả 2 bên. Nga cần tìm những khách hàng mới sau khi các nước phương Tây tẩy chay những mặt hàng nhiên liệu hóa thạch của Nga. Còn Trung Quốc cần nguồn cung năng lượng giá rẻ cho ngành sản xuất khổng lồ của mình.

Hai bên đang lên kế hoạch đẩy mạnh mối quan hệ đối tác. Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đang thảo luận về việc cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.

Theo phó giáo sư Anna Kireeva tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, khi kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại vào năm sau, xuất khẩu từ Nga sang Trung Quốc có thể gia tăng hơn nữa, bao gồm xăng và những sản phẩm từ dầu khác.

Thay thế nguồn cung từ phương Tây

Nga cũng chi hàng tỷ USD để mua máy móc, thiết bị điện tử, kim loại, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc. Nước này còn tìm kiếm những sản phẩm thay thế cho hàng hóa nhập khẩu từ các thị trường phương Tây, chẳng hạn ôtô và đồ điện tử.

"Và năng lực sản xuất của Trung Quốc khó có thể bị cạnh tranh bởi bất cứ nhà sản xuất nào khác", bà Kireeva bình luận.

Theo dữ liệu mới nhất của hãng nghiên cứu Autostat (Nga), sau khi các hãng xe phương Tây rút khỏi Nga, thị phần của những thương hiệu Trung Quốc như Havel, Chery và Geely đã tăng từ 10% lên 38%. Công ty nghiên cứu cho rằng tỷ lệ này sẽ còn tăng thêm trong năm nay.

Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, các thương hiệu Trung Quốc chiếm lĩnh khoảng 40% thị trường điện thoại thông minh vào cuối năm 2021. Chỉ một năm sau, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, thị phần đã vọt lên 95%.

Giải pháp thay thế USD

Các doanh nghiệp Nga đang tăng cường sử dụng nhân dân tệ để giao thương với Trung Quốc. Bà Kireeva cho biết nhiều ngân hàng Nga cũng đẩy mạnh việc giao dịch bằng nhân dân tệ để tránh rủi ro bị trừng phạt.

Theo truyền thông Nga, tính đến tháng 11/2022, đồng nhân dân tệ đã chiếm lĩnh 48% thị trường ngoại hối của Nga, tăng từ dưới 1% hồi tháng 1. Bộ Tài chính Nga cũng tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ nhân dân tệ lên 60%, sau khi phần lớn dự trữ ngoại hối của nước này bị đóng băng bởi các lệnh trừng phạt quốc tế.

Bà Kireeva cho rằng xu hướng phi USD hóa trong ngoại thương Nga sẽ kéo dài hơn nữa. Với việc gia tăng dự trữ nhân dân tệ, Moscow có thể dùng đồng tiền của Trung Quốc để ổn định đồng ruble và thị trường tài chính nước này.

Đồng tiền của Nga đã giảm hơn 40% so với euro và USD trong năm qua. Chỉ số chứng khoán chính của Nga cũng lao dốc hơn 1/3. Tháng trước, Bộ Tài chính Nga tuyên bố sẽ tiếp tục can thiệp ngoại hối bằng cách bán nhân dân tệ và mua ruble.

Dù vậy, theo bà Kireeva, các doanh nghiệp lớn của Trung Quốc vẫn cảnh giác với những lệnh trừng phạt thứ cấp và thận trọng trong việc giao dịch với thị trường Nga.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Bất ngờ đằng sau cuộc họp đầu năm của Fed

Biên bản cuộc họp của Fed vừa được công bố, dù cơ quan này nhất trí giảm tốc độ tăng lãi suất, các quan chức vẫn lo ngại về lạm phát và nhiều người muốn xử lý mạnh tay hơn.

Thảo My

Bạn có thể quan tâm