Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc giảm lãi suất để vực dậy nền kinh tế

Những ngày qua, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) liên tục cắt giảm lãi suất. Chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu đáng lo ngại về tình hình nền kinh tế quốc gia.

Khoảng cách lãi suất giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng được nới rộng. Ảnh: Bloomberg.

PBOC mới đây đã cắt giảm lãi suất đối với nguồn vốn trung hạn dành cho các tổ chức tài chính. Động thái nới lỏng chính sách tiền tệ này nhằm hỗ trợ nền kinh tế vốn đang tăng trưởng chậm lại, theo South China Morning Post.

Cụ thể, cơ quan này đã hạ lãi suất các khoản vay trung hạn (MLF) kỳ hạn một năm đối với các tổ chức tài chính, từ mức 2,75% xuống còn 2,65%.

Phía bên kia bán cầu, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ giữ nguyên lãi suất ở mức 5-5,25%, chấm dứt chuỗi tăng 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3/2022.

Sự khác biệt trong chính sách tiền tệ đã nới rộng khoảng cách lãi suất giữa Trung Quốc và Mỹ. Điều này tiếp tục gây áp lực lên dòng vốn chảy ra khỏi Trung Quốc.

Trước đó, PBOC đã cắt giảm lãi suất mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày, từ mức 2% xuống thành 1,9%. Cơ quan này đã bơm 2 tỷ nhân dân tệ (279,97 triệu USD) thông qua công cụ trái phiếu ngắn hạn.

Theo ông Julian Evans-Pritchard, người đứng đầu bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, việc PBOC cắt giảm 10 điểm cơ bản sẽ không tạo ra nhiều điều khác biệt.

Tuy nhiên, động thái đó cho thấy giới chức Trung Quốc đang ngày càng lo ngại về tình trạng phục hồi của quốc gia. Các chính sách nới lỏng tiền tệ có thể sẽ được áp dụng nhiều hơn trong tương lai.

Tâm lý thị trường đang lao dốc trong bối cảnh dữ liệu kinh tế yếu kém. Bên cạnh đó, những lo ngại về triển vọng phát triển thời hậu Covid-19 cũng khiến các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước trở nên ngần ngại khi đầu tư vào Trung Quốc.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã hạn chế tung ra các gói kích thích lớn trong 3 năm qua vì nợ quốc gia đã đạt đến mức cao và lợi tức đầu tư cơ sở hạ tầng vẫn đang giảm.

Thay vào đó, PBOC đã tạo ra 17 công cụ để giải quyết những vấn đề tài chính trong các lĩnh vực, bao gồm kinh doanh tư nhân, chuyển giao tài sản, logistics và đổi mới công nghệ. Trong 5 tháng đầu năm, các khoản vay mới tại ngân hàng đã lên tới 12.680 tỷ nhân dân tệ, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà kinh tế của UBS cho biết khoảng 15-20% nguồn vốn tín dụng ngân hàng mới của năm nay có thể được chính quyền địa phương sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng dự báo lãi suất cơ bản, liên quan đến các khoản vay thế chấp, cũng sẽ được cắt giảm vào tuần tới.

Fed dự kiến tăng lãi suất thêm 2 lần trong năm 2023

Trong cuộc họp mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ đưa lãi suất chạm mức 5,6% sau 2 đợt nâng vào nửa cuối năm nay.

Người mua vàng nhẫn lỗ hơn 2 triệu đồng/lượng trong tháng qua

Tính từ ngày 16/5 đến nay, giá bán của mặt hàng vàng nhẫn trong nước đã sụt giảm hơn 1 triệu đồng/lượng, hiện đi ngang vùng giá thấp 56,4 triệu đồng/lượng.

Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.

Thanh Vũ

Bạn có thể quan tâm