Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Bắc Kinh và các mục tiêu phát triển dài hạn cho năm 2035, hàng không và hàng không vũ trụ được chính quyền Bắc Kinh nhấn mạnh là "các ngành công nghiệp mới nổi chiến lược" quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc. Các ngành này cần được “tăng tốc” phát triển để giúp Trung Quốc đạt được mục tiêu bá chủ ngành hàng không dân dụng trong tương lai.
Tuy nhiên, sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đã khiến kế hoạch trở thành cường quốc sản xuất máy bay dân dụng hàng đầu của nước này lệch đường ray.
Theo South China Morning Post, trong hai năm qua, căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới ngày càng leo thang và lan rộng từ lĩnh vực thương mại, công nghệ cho đến hàng không. Chính quyền Nhà Trắng đã hạn chế khả năng tiếp cận các sản phẩm công nghệ, kỹ thuật Mỹ bằng cách cấm các công ty Mỹ bán sản phẩm cho những công ty Trung Quốc nằm trong "danh sách đen".
Sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhiều người kỳ vọng chính quyền mới sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt có từ thời ông Trump và khiến mối quan hệ giữa hai bên hòa hoãn hơn. Tuy nhiên, đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden sẽ "nương tay" khi các lệnh trừng phạt vẫn nghiêm ngặt như cũ.
Máy bay tự sản xuất C919 của Trung Quốc được kỳ vọng trở thành đối thủ cạnh tranh với các dòng máy bay cùng phân khúc của Boeing và Airbus. Ảnh: Bloomberg. |
"Cho đến nay, chính quyền của ông Biden chưa nới lỏng kiểm soát và có thể cũng không bao giờ. Điều này phần lớn phụ thuộc vào tình hình mối quan hệ Mỹ - Trung và kết quả của các cuộc rà soát chính sách", ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington, nhận xét.
Trong lĩnh vực hàng không, Trung Quốc đẩy mạnh trọng tâm vào máy bay chở khách thân hẹp tự sản xuất C919. Đây được kỳ vọng sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh với các loại Boeing 737 và Airbus A320.
Tuy nhiên, vì những lệnh kiểm soát vẫn duy trì, tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) - đơn vị sản xuất C919 - đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ liệt vào danh sách đen các công ty có liên quan đến quân sự Trung Quốc.
Tổng công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (Avic) cũng bị Mỹ đưa vào danh sách đen có liên hệ đến chính quyền Trung Quốc. Bảy công ty con của Avic cũng bị Bộ Thương mại Mỹ liệt vào diện "người dùng cuối liên quan đến quân sự". Điều này có nghĩa là công ty Mỹ cần xin giấy phép để bán sản phẩm cho Avic.
Dù có tham vọng lớn phát triển ngành hàng không dân dụng quốc gia, phần lớn linh kiện, bộ phận máy bay của Trung Quốc đều được nhập khẩu từ các nước khác trên thế giới, trong đó có Mỹ. Trong đó, phần lớn linh kiện của máy bay C919 đều nhập khẩu từ Mỹ. Do vậy, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ đối với sản phẩm hàng không trở thành một trở ngại lớn cho tham vọng bá chủ bầu trời của Trung Quốc.
Tham vọng bá chủ bầu trời hàng không dân dụng của Trung Quốc bị cản bước bởi lệnh cấm nhập khẩu của Mỹ. Ảnh: Cnet. |
"Mỹ không coi Comac và Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh trong lĩnh vực hàng không. Tuy nhiên, có khả năng một số quan chức chính phủ Mỹ muốn [tận dụng các hạn chế trong quy định] để thiết lập quan điểm cứng rắn về các vấn đề thương mại và sở hữu trí tuệ với Trung Quốc", ông Richard Aboulafia, phó chủ tịch công ty tư vấn hàng không và quốc phòng Teal Group nhận xét.
Ông Aboulafia cho biết đây cũng có thể là biện pháp trả đũa và gây sức ép cho Trung Quốc vì cấm máy bay Boeing 737 MAX sau những sự cố động cơ hồi năm ngoái.
Dù Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm đối các chuyến bay thương mại sử dụng dòng máy bay này, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) vẫn chưa cho phép máy bay Boeing 737 MAX "cất cánh" trở lại ở nước này. Trước đó, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia đầu tiên cấm bay chiếc 737 MAX sau 2 sự cố rơi máy bay làm 346 người thiệt mạng.
Ông Aboulafia cho biết Trung Quốc sẽ khó thay thế công nghệ hàng không của Mỹ trong thời gian ngắn, đặc biệt khi Mỹ đóng chặt những cánh cửa. Aboulafia nói: "Sự tan vỡ trong quan hệ hàng không giữa Mỹ và Trung Quốc có ảnh hưởng đến hai bên. Mỹ có thể bỏ lỡ thị trường tăng trưởng lớn nhất thế giới, trong khi ngành hàng không Trung Quốc sẽ phát triển ì ạch với hệ thống lạc hậu, hướng nội, kém cỏi", ông Aboulafia nhận xét.
Tuy nhiên, thiệt hại của Trung Quốc có phần nặng nề hơn. Ông Scott Kennedy cho biết: "Trung Quốc không có khả năng tự chủ sản xuất máy bay thương mại trong tương lai 30-40 năm tới. Không ai có thể tự túc hoàn toàn, kể cả Mỹ, Nga hay châu Âu. Chuyên môn hóa tốt hơn nhiều".