Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tỏ ra bất nhất trong cuộc họp báo hôm qua. Ảnh: Hiếu Trung |
Hôm 5/8, một trong những chủ đề lớn tại hội nghị của các ngoại trưởng ASEAN với 10 nước đối tác là căng thẳng trên Biển Đông.
Trong hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Washington “chia sẻ mong muốn của các nước ASEAN là bảo vệ hòa bình và ổn định trên Biển Đông. Chúng ta phải đảm bảo an ninh của các tuyến hàng hải và ngư trường trọng yếu. Chúng ta cần thấy các xung đột trong khu vực được giải quyết một cách hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Trước cuộc họp, ngoại trưởng Mỹ đã gặp song phương người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ông Kerry mô tả đây là một cuộc gặp “tốt đẹp” và bày tỏ hy vọng các nỗ lực giải quyết căng thẳng trên Biển Đông sẽ đạt được tiến bộ cụ thể trong những ngày tới.
Tuy nhiên, một quan chức phái đoàn Mỹ tiết lộ với các phóng viên có mặt ở Trung tâm thương mại quốc tế Putra (PWTC) rằng khi đối thoại với ông Vương Nghị, ông Kerry đã thể hiện rõ thái độ phản ứng mạnh mẽ của Mỹ đối với các hành vi đơn phương và gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông.
Tiếng nói của khu vực và quốc tế
Ngoại trưởng Kerry cho biết Mỹ đặc biệt lo ngại về “tình trạng căng thẳng leo thang trên Biển Đông vì các tranh chấp chủ quyền và vì Trung Quốc bồi đắp, xây dựng quy mô lớn và quân sự hóa các cấu trúc trên Biển Đông”.
Ông nói thẳng với ông Vương Nghị rằng Washington kêu gọi Bắc Kinh “dừng ngay các hành động gây rối để tạo không gian cho ngoại giao”. Ngoài Mỹ, nhiều quan chức các nước đối tác của ASEAN cũng không ngần ngại thể hiện quan điểm phản đối Trung Quốc.
Phát biểu trước các ngoại trưởng ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Minoru Kiuchi khẳng định Tokyo “vô cùng lo ngại về các hành vi đơn phương làm thay đổi hiện trạng và đẩy căng thẳng lên cao ở Biển Đông”.
Thứ trưởng Nhật mô tả đó là “hành động bồi đắp quy mô lớn, xây dựng các tiền đồn và sử dụng chúng vì mục đích quân sự”. Ông Kiuchi cam kết Nhật sẽ hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN để bảo vệ an ninh và tự do hàng hải khu vực.
Còn Ngoại trưởng Australia Julie Bishop dù giải thích Canberra không đứng về phía nào trong các tranh chấp lãnh thổ, nhưng thẳng thừng chỉ trích Trung Quốc bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép ồ ạt trên Biển Đông trong suốt 18 tháng qua.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á tôn trọng tự do hàng hải trên Biển Đông. Chúng ta cần phải chấm dứt những hành vi bắt nạt và đơn phương trên Biển Đông”, Ngoại trưởng Bishop dùng những từ ngữ rất mạnh mẽ và quyết liệt.
Ngoại trưởng Thái Lan Tanasak Patimapragorn cho biết tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc, các đại diện Đông Nam Á “nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và hàng không, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế”.
Trong các hội nghị, nhiều ngoại trưởng tuyên bố rõ Biển Đông là “vấn đề quan tâm và lợi ích chung” của tất cả các nước trong và ngoài khu vực, và các diễn biến phức tạp trên Biển Đông ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, an toàn tự do hàng hải và hàng không khu vực. Các ngoại trưởng cũng kêu gọi ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).
Ông Vương Nghị bất nhất
Một sự kiện khác đặc biệt thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế tại PWTC là cuộc họp báo chung của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Thái Lan Tanasak Patimapragorn diễn ra ngay sau Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN - Trung Quốc.
Ông Patimapragorn thông báo ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận về một số biện pháp thực hiện Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC), bao gồm việc lập đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp trên Biển Đông. Hai bên cũng đồng ý đẩy nhanh tham vấn về COC.
Ông Vương Nghị dùng những từ ngữ hết sức tích cực để mô tả quan hệ hợp tác ASEAN - Trung Quốc, trong đó có việc hợp tác giảm căng thẳng trên Biển Đông. Ông tuyên bố Trung Quốc cam kết giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và bảo vệ tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
“Từ trước đến nay chưa hề có vấn đề gì về tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông cả”, ông Vương nhấn mạnh, dù trước đó quan chức các nước đều chỉ trích hành vi bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép đe dọa tự do hàng hải và hàng không.
Ông Vương Nghị kêu gọi “các nước quanh Biển Đông thực hiện đầy đủ DOC và tăng tốc tham vấn COC” mà quên rằng hành vi xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc bị cáo buộc là xâm phạm nghiêm trọng DOC.
Ngoại trưởng Trung Quốc không quên đáp trả phản ứng của cộng đồng quốc tế khi cho rằng “các nước ngoài khu vực không thực hiện các hành vi có thể làm leo thang căng thẳng” và “hãy đảm bảo tự do hàng hải và hàng không”.
Trước câu hỏi “Trung Quốc đã dừng xây đảo nhân tạo trên Biển Đông chưa?”, ông Vương Nghị khẳng định: “Trung Quốc đã dừng rồi, cứ leo lên máy bay đến đó mà xem”. Điều kỳ lạ là mới 2 ngày trước, chính ngoại trưởng Trung Quốc khăng khăng rằng dừng các hoạt động bồi đắp, xây đảo nhân tạo trên Biển Đông là “phi thực tế và không thể thực hiện được”.
Các bức ảnh vệ tinh mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) công bố cho thấy hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc trên các bãi đá của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa vẫn diễn ra ồ ạt, và Bắc Kinh đang chuẩn bị xây một đường băng mới dài 3.000 m trên đá Xu Bi.
Nói thẳng với Trung Quốc
Trong cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam hết sức quan ngại trước những hoạt động mở rộng, xây dựng đảo đá, làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Ông nhấn mạnh đây cũng là mối quan tâm sâu sắc của các nước ASEAN vì vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực.
Phó thủ tướng kêu gọi Trung Quốc không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp. Tại các hội nghị, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cũng chia sẻ lo ngại về các diễn biến phức tạp khiến Biển Đông bị thay đổi hiện trạng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không khu vực.