Mối quan hệ xấu đi giữa Trung Quốc và Australia, sự mất lòng tin vào Trung Quốc và lo ngại về hạn hán, thiếu nước đã thúc đẩy cuộc tranh luận rằng Bắc Kinh đang mua lại tài nguyên nước ở nước này với mục đích gây lo ngại, South China Morning Post cho biết.
Nước lần đầu trở thành hàng hóa có thể giao dịch vào những năm 1980 ở châu Âu, nhưng qua nhiều năm, thị trường này đã phát triển thành một ngành công nghiệp với giá trị hơn 2 tỷ USD.
Đối với Australia, đất nước nằm ở lục địa có người sinh sống khô cằn nhất trên Trái Đất, nông dân sở hữu đất đai được trao quyền sử dụng tài nguyên nước và có thể giao dịch trên thị trường. Bất kỳ ai, kể cả người nước ngoài có thể đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm này.
Chính phủ có cơ quan phụ trách đăng ký quyền sở hữu nước ngoài đối với tài nguyên nước, nhưng chi tiết các khoản đầu tư thường không được công khai và một số báo cáo cho thấy nhà đầu tư nước ngoài không được xem xét kỹ lưỡng.
Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất
Một báo cáo về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài nguyên nước - công bố vào tháng trước - cho thấy Trung Quốc là chủ sở hữu nước ngoài lớn nhất về tài nguyên nước ở Australia.
Tính đến tháng 6/2019, các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu khoảng 756 gigalitre, tương đương với khoảng 1,9% lượng nước trên thị trường. Nhà đầu tư lớn thứ 2 là Mỹ với tỷ lệ sở hữu khoảng 1,8%. Các nhà đầu tư nước ngoài đang nắm 10,5% thị trường nước Australia, tăng so với 10,4% của năm 2018.
Một góc sông Murray, con sông dài nhất Australia. Ảnh: Shutterstock. |
Năm 2019 được ghi nhận là một trong những năm khô hạn nhất ở Australia. Chi phí nước tăng vọt tới 694 USD/1 triệu lít ở mùa khô. Trong khi đó, vào mùa mưa giá giảm xuống chỉ còn 13,9 USD/1 triệu lít.
Giá nước cũng thay đổi tùy theo tiểu bang, tính đến tháng 5, các bang tây Australia phải trả hóa đơn tiền nước hàng quý là 162 USD, trong khi người Tasmania phải trả tới 253 USD.
Việc giá nước tăng cao đã dẫn đến sự chỉ trích nhắm vào Trung Quốc. Một trong những tờ báo lớn nhất Australia đã có bài viết với tiêu đề “Trung Quốc tra tấn nguồn nước”. Hơn 10 tờ báo trong nước đã đăng lại bài viết. Điều đó khởi động thuyết âm mưu liên quan đến Trung Quốc và an ninh Australia.
Người dẫn chương trình tin tức buổi sáng trên đài phát thanh Australia nói rằng người Trung Quốc đã “đặt cả 2 tay vào nguồn nước của chúng ta” và “nông dân của chúng ta đang bị dồn ép và cướp bóc”.
Tuy vậy, giáo sư Quentin Grafton, giám đốc Trung tâm kinh tế, môi trường và chính sách, Đại học Quốc gia Australia, cho rằng kinh doanh nước đem lại lợi ích đáng kể và quyền sở hữu nước ngoài đối với nước ở Australia không nhất thiết là vấn đề đáng lo ngại. Quyền sở hữu nước của Trung Quốc là không đáng kể.
“Bạn không thể di chuyển cây trồng của mình, nhưng bạn có thể di chuyển nước, đó là điều chúng ta thường làm khi hạn hán. Điều này cho phép nông nghiệp tiếp tục phát triển tốt theo nhiều cách. Không quan trọng ai sở hữu nước, dù họ đến từ Trung Quốc, Mỹ, nước sẽ không đi đâu cả”, giáo sư Grafton nói.
Giáo sư Grafton cho biết thêm sự tập trung vào quyền sở hữu nước của Trung Quốc liên quan đến nhiều vấn đề, chẳng hạn như việc khai thác quá mức và thiếu minh bạch về quyền sở hữu.
“Quan trọng hơn là chúng ta cần biết ai sở hữu nước, lượng nước chính xác là bao nhiêu và nó đang được sử dụng cho mục đích gì”, giáo sư Grafton nói.
Những nguy cơ lờ mờ
Hạn hán, thiếu nước đi cùng với những lo ngại về biến đổi khí hậu ở Australia đã khiến nhiều người lo lắng hơn về tỷ lệ sở hữu nước của Trung Quốc. Natasha Kassam, người đứng đầu Viện Lowy, từng là nhà ngoại giao ở Trung Quốc, nói rằng báo cáo tiêu cực về Trung Quốc phản ánh thực tế rằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Australia đang ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế đất nước.
Australia là quốc gia có người ở khô cằn nhất thế giới. Ảnh: Shutterstock. |
Bà cho rằng việc không có đủ báo cáo công khai về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực tài nguyên nước để có thể trấn an dư luận góp phần làm cho vấn đề thêm phức tạp. Về đầu tư nước ngoài tại Australia, dữ liệu của Bộ Ngoại giao và Thương mại năm ngoái cho biết Trung Quốc đứng thứ 9 trong các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đầu là Mỹ.
Mức tăng trưởng đầu tư nước ngoài của Trung Quốc ở Australia chậm hơn so với phần lớn các quốc gia khác.
Lo ngại rằng các công ty nước ngoài sẽ tận dụng sự không chắc chắn về kinh tế do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 để có những toan tính bất lợi cho nền kinh tế đất nước. Tháng trước, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg đã chỉ đạo Ủy ban đánh giá đầu tư nước ngoài xem xét lại các giao dịch mua tài nguyên nước của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhưng cuộc điều tra gần đây của đài truyền hình quốc gia ABC đã cho thấy một số nhà đầu tư nước ngoài không được giám sát chặt chẽ tại Australia. Cuộc điều tra cho thấy ít nhất 2 doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc sở hữu quyền lợi nước tại Australia, trong đó một công ty vướng bê bối về bồi thường cho người dân địa phương.
Helen Dalton, đại diện hội đồng lập pháp bang New South Wales, kêu gọi sự minh bạch trong đầu tư nước ngoài đối với tài nguyên nước. Bà cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài không nên được phép đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên mang tính thiết yếu của đất nước.
Một số nghị sĩ khác cáo buộc các công ty trong và ngoài nước đang đẩy giá bán và thao túng thị trường, gây khó khăn cho đời sống của người dân. Trong khi đó một số nhà phân tích cảnh báo nguy cơ các nhà đầu tư nước ngoài đầu cơ, theo túng thị trường nước tại những thời điểm nhất định, đặc biệt là trong mùa khô hạn.