Xuất khẩu gạo chỉ đạt trên 536.500 tấn, giảm trên 34% so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu đạt kém không chỉ do một mình Trung Quốc mà các thị trường truyền thống đều giảm mạnh.
Đây là tình trạng lặp lại trong vài ba năm trở lại đây, do là thời điểm thu hoạch vụ đông xuân, vụ lúa có sản lượng cao nhất và chất lượng tốt nhất của Việt Nam trong năm.
Lượng gạo bàn giao từ đầu năm đến nay chủ yếu là từ các hợp đồng cấp nhà nước và hợp đồng đã ký kết từ năm 2014 chuyển sang.
Hầu hết các khách hàng đều chờ đợi một mặt bằng giá mới, thường là thấp hơn giá cuối năm, trước khi nguồn cung tại Việt Nam rất dồi dào. Các doanh nghiệp trong nước phải tìm cách bán hàng vì khả năng tài chính có hạn và không đủ kho bãi để chứa lúa gạo.
Ảnh minh họa. |
Đặc biệt, trong hai năm trở lại đây, Thái Lan phải xả kho gạo tồn kho, bán gạo với giá thấp. Ngoài ra, nguồn gạo cung cấp từ Campuchia, Myanmar, Ấn Độ, Pakistan đưa ra thị trường ngày một lớn càng làm cho các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam bị thu hẹp, cạnh tranh về giá ngày càng gay gắt.
Trung Quốc nổi lên thành nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Trong bối cảnh đó, Trung Quốc nổi lên thành nhà nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam . Chỉ riêng xuất khẩu gạo tiểu ngạch thì trong năm 2013 nước này đã nhập khẩu 1,5 triệu tấn từ Việt Nam, và tăng lên 2 triệu tấn năm 2014.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2014, Trung Quốc đóng cửa nhập khẩu gạo tiểu ngạch (giao dịch hàng hóa nhỏ lẻ) khiến cho tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam qua biên giới nước này giảm mạnh. Không thể tiêu thụ được gạo, Việt Nam đã phải triển khai chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo từ đầu tháng 3 vừa qua.
Từ đầu tháng 3/2015, Trung Quốc đã nới lỏng nhập khẩu gạo tại các cửa khẩu, nhiều doanh nhân Trung Quốc đã liên hệ với nhà cung cấp trong nước để ký hợp đồng mua bán gạo trở lại.
Hiện giá bán gạo cho Trung Quốc khoảng 360-370 USD/tấn loại 5% tấm, tương đương với giá gạo chào bán của Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, theo một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP HCM, hình thức mua bán chủ yếu vẫn là buôn bán tiểu ngạch, mà thực chất là hợp pháp tại Việt Nam nhưng bất hợp pháp tại Trung Quốc.
Theo đó, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam làm thủ tục xuất khẩu với hải quan đúng quy định thì các thương nhân Trung Quốc thuê xe tải chở lậu gạo đưa vào nội địa nước họ tiêu thụ, nhằm tránh thuế.
“Thuế nhập khẩu gạo của Trung Quốc lên đến 17% cộng với tiền mua quota (hạn ngạch) nhập khẩu gạo là 70 USD/tấn, các doanh nghiệp Trung Quốc không dám mua gạo theo đường chính ngạch”, vị giám đốc này cho biết.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, dù đã nới lỏng kiểm soát biên giới, nhưng việc bán gạo sang Trung Quốc vẫn còn nhiều khó khăn.
Các doanh nhân Trung Quốc cũng muốn lợi dụng tình thế khó khăn của Việt Nam để ép giá thấp hơn nữa mới mua. Do đó, trong thời gian ngắn sắp tới không thể trông đợi thị trường này sẽ hút gạo Việt Nam như các năm trước.
Theo VFA, trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào các hợp đồng sẽ ký kết với các thị trường truyền thống tại châu Á như Philippines, Malaysia, Indonesia… cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu gạo Việt Nam .