Trung Quốc 'diễn trò' kiểm tra tàu cá trên biển Hoa Đông
Tàu tuần tra Nhật Bản phát tín hiệu cảnh báo cho tàu giám sát của Trung Quốc rằng, Nhật Bản không cho phép thực thi luật pháp nước ngoài về đánh bắt cá bên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình sau khi nhân viên của tàu hải giám Trung Quốc lên các tàu đánh cá khác để kiểm tra.
Hãng tin NHK đưa tin, các tàu công vụ Trung Quốc (Hải giám và Ngư chính) đã thực hiện việc "kiểm tra các tàu đánh cá" nước này trong vùng biển ngoài khơi nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông. Hành động này thực tế là "diễn trò" nhằm mục đích quảng bá tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Tàu tuần tra Nhật Bản và tàu Hải giám Trung Quốc rượt nhau gần nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. |
Lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết, các nhân viên từ một tàu công vụ Trung Quốc đã lên một tàu đánh cá của nước này để kiểm tra khi đang ở trong vùng tiếp giáp lãnh hải của Nhật Bản ngày hôm qua. Sau đó, tàu giám sát Trung Quốc cũng kiểm tra 6 tàu đánh cá khác ở bên ngoài khu vực này vào buổi chiều cùng ngày.
Một tàu tuần tra Nhật Bản đã phát tín hiệu cảnh báo rằng Nhật Bản không cho phép thực thi pháp luật nước ngoài về đánh bắt bên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Tuy nhiên, tàu công vụ Trung Quốc đã phớt lờ yêu cầu của phía Nhật Bản khi giả bộ kiểm tra tàu cá và trả lời rằng họ đang tiến hành nhiệm vụ hợp pháp trong khu vực kinh tế độc quyền của Trung Quốc.
Các tàu cá Trung Quốc trên vùng biển tranh chấp. |
Kể từ ngày 18/9, các tàu Chính phủ Trung Quốc hướng đến vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku/ Điếu Ngư. Cảnh sát biển Nhật Bản cho biết tổng cộng 16 tàu công vụ Chính phủ Trung Quốc (Hải giám và Ngư chính) đã được phát hiện hoạt động trong vùng biển này. Ba trong số các tàu đã đi vào trong vùng tiếp giáp lãnh hải.
Động thái điều động hàng loạt tàu công vụ ra đảo tranh chấp của Trung Quốc diễn ra sau khi Chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước. Bản thân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thừa nhận ông đã tính toán sai về phản ứng của Trung Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Asahi TV, ông Noda cam kết sẽ “tăng cường thông tin” về tranh chấp. “Tôi biết việc quốc hữu hóa sẽ gây ra phản ứng và căng thẳng ở một chừng mực nào đó song quy mô của nó lớn hơn dự kiến”, ông Noda nhấn mạnh.
Tờ South Chima Morning Post dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nhận xét, sở dĩ ông Noda dịu giọng là bởi Nhật đang chịu áp lực phải giảm nhiệt căng thẳng với Trung Quốc sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong tuần này.
Ông Liêm Đức Côi, chuyên gia về Nhật Bản tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải cho hay: “Ông Noda có vẻ như hạ giọng vì ông Panetta đã gây áp lực buộc ông không được gây thêm căng thẳng”.
Tuy nhiên, khác với tuyên bố của Thử tướng, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba hôm nay vẫn kiên quyết cho rằng, ông Noda có thể đề cập đến tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng này. Ông Noda dự kiến tuyên bố Nhật sẽ hành động theo khuôn khổ luật lệ quốc tế trong tranh chấp chủ quyền sau khi các công ty nước này ở Trung Quốc bị đập phá trong một tuần lễ biểu tình chống Nhật.
Theo Giáo Dục Việt Nam, Thanh Niên