Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc di dời vị trí đặt giàn khoan Hải Dương 981

5h30 sáng 27/5, giàn khoan 981 đã được 2 tàu Hải Dương 612 và 613 kéo về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý nhưng vẫn nằm sâu trong thềm lục địa Việt Nam.

Sáng nay, theo VTV, Cục Hải sự Trung Quốc thông báo qua Đài Hải sự, tỉnh Hải Nam cho biết, giàn khoan Hải Dương 981 được hai tàu Hải Dương 612 và 613 kéo, với tốc độ dịch chuyển 4 hải lý/giờ. Giàn khoan 981 sẽ di chuyển về phía Đông Nam đảo Tri Tôn 25 hải lý. Đảo Tri Tôn thuộc Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Dự kiến, giàn khoan Hải Dương 981 được Trung Quốc dịch chuyển đến vị trí mới trước 10h30 ngày 27/5 và giàn khoan này vẫn nằm sâu trong khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.  

Trao đổi với phóng viên Zing.vn trưa 27/5, thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm - Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam xác nhận về sự dịch chuyển rõ ràng của giàn khoan 981.

"Giàn khoan 981 có dịch chuyển rõ ràng hơn. Tuy nhiên, có phải dịch chuyển do chủ ý của Trung Quốc không vẫn còn đang đánh giá", ông Đạm nói về diễn biến "hơi khác thường" quanh khu vực giàn khoan hạ đặt trái phép. 

Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư Hà Lê cũng cho biết, hôm nay sự dịch chuyển của giàn khoan đã rõ ràng hơn. "Nếu với tốc độ dịch chuyển 4 hải lý/giờ như Đài Hải sự của Hải Nam đưa tin thì trong 1 giờ, giàn khoan sẽ di chuyển khoảng hơn 11 km về phía Đông Nam đảo Tri Tôn", Phó cục trưởng Kiểm ngư nói. 

Tuy nhiên, theo ông Hà Lê, hiện nay các lực lượng chức năng vẫn chưa xác định được giàn khoan đã di chuyển được bao xa so với vị trí đặt ban đầu. “Cuối ngày, chúng tôi sẽ có thông tin chính thức và cụ thể”, ông nói.

Rất nhiều tàu của Việt Nam bị hư hỏng nặng vì tàu Trung Quốc đâm va dữ dội. Ảnh: Tuổi Trẻ.

Xác nhận thông tin về vụ tàu cá Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam lúc 16h chiều hôm qua (26/5), thiếu tướng Đạm cho biết, các ngư dân đã an toàn và bình tĩnh trở lại.

"10 ngư dân đã được tàu cá của Việt Nam cứu vớt an toàn. Đây là khu vực tác nghiệp hợp pháp của các tàu cá Việt Nam và đã bị tàu cá Trung Quốc đâm thẳng vào", vị Tư lệnh Cảnh sát biển nói.

Ngay sau khi bị đâm chìm tàu, các ngư dân đã được đưa lên các tàu cá khác bởi xung quanh đó có rất nhiều tàu của Việt Nam đang hoạt động.

Tuy nhiên, ông Đạm cho biết, lực lượng chức năng không quay, chụp lại được hình ảnh đâm va của tàu cá Trung Quốc bởi khu vực tàu cá Việt Nam bị đâm cách xa giàn khoan 13 hải lý, trong khi lực lượng cảnh sát biển đang tiếp cận gần giàn khoan 8-9 hải lý.

"Tàu cảnh sát biển không cùng hướng với tàu cá bị đâm nên không chứng kiến hay hỗ trợ ngay lúc đó mà chỉ được báo cáo lại. Tuy nhiên, sự việc tàu cá Việt Nam bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm là có thật", thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm khẳng định.

Bản đồ minh họa vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.
Bản đồ minh họa vị trí giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam.

Còn ông Hà Lê, Phó cục trưởng Cục Kiểm ngư chia sẻ, sau khi nhận được tin tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá của Việt Nam, Cục đã cử lực lượng trục vớt tàu gặp nạn để đưa về bờ, nhằm giữ làm bằng chứng, tư liệu để đấu tranh. Nhưng đêm 26/5, do điều kiện thời tiết không được thuận lợi nên việc trục vớt tàu cá này vẫn chưa hoàn thành, tàu vẫn chưa chìm hẳn. 

"Thời điểm xảy ra sự việc có rất nhiều tàu cá của Việt Nam hoạt động nên đã ứng cứu kịp thời. 10 ngư dân không bị thương nặng, chỉ xây xát nhẹ. Nhưng có thể khẳng định, Trung Quốc đã rất ngang ngược khi chủ động đâm chìm tàu cá của Việt Nam ngay trên ngư trường truyền thống, thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam", ông Lê nói thêm.

Cũng theo ông Lê, ngày 26/5 đã phát hiện thêm một tàu quét mìn của Trung Quốc hoạt động quanh giàn khoan Hải Dương 981. Ngoài ra còn có 112 tàu các loại của nước này hoạt động tại khu vực giàn khoan, trong đó một tàu tên lửa tấn công nhanh hoạt động thường xuyên quanh khu vực cách giàn khoan 25-30 hải lý, một tàu khu trục tên lửa hoạt động cách giàn khoan 15-20 hải lý...

Các tàu hải cảnh, tàu kéo, tàu vận tải của Trung Quốc vẫn tổ chức thành nhiều nhóm (8-10 tàu) chủ động áp sát các tàu của Việt Nam nhằm vây ép, đâm va, phun nước. Các tàu cá nước này cũng dàn thành hàng 25-30 chiếc nhằm cản trở, đe dọa đâm va, húc khi tàu cá của Việt Nam tiến vào khu vực giàn khoan.

Phát hiện tàu quét mìn tại khu vực giàn khoan 981 ngày 26/5

Hôm nay, 26/5, tàu tên lửa tấn công nhanh của TQ hoạt động thường xuyên quanh khu vực giàn khoan 25-30 hải lý; ngoài ra còn có tàu quét mìn hoạt động xung quanh giàn khoan...

Trước đó, 3h sáng 25/5, trong lúc đang nghỉ đêm tại ở ngư trường vịnh Bắc Bộ (Hải Phòng), tàu cá mang số hiệu QN 96180 TS do thuyền trưởng Đặng Giùm bị tàu "lạ" đâm trực diện vào cabin rất mạnh khiến tàu nghiêng hẳn và lật chìm. Vụ việc đã khiến ông Giùm tử nạn và một ngư dân khác bị mất tích. 

Theo lời các ngư dân sống sót kể lại, do lúc bị đâm trời rất tối và đèn pha của tàu "lạ" rất sáng, cộng với việc bị tấn công bất ngờ, các ngư dân chỉ tập trung lo việc cứu người và chống chọi nên không nhìn thấy số hiệu của tàu lạ. Tuy nhiên, các thuyền viên cho biết, họ đã nghe được tiếng quát tháo bằng ngoại ngữ từ con tàu đó.

Diễn biến vụ Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở Biển Đông: 

5h22 ngày 1/5/2014, Cơ quan chức năng Việt Nam phát hiện giàn khoan nước sâu Hai Yang Shi You 981 (Việt Nam gọi là Hải Dương 981) và 3 tàu dịch vụ dầu khí của phía Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam.  

Đến 16h ngày 2/5, giàn khoan Hải Dương 981 được thả trôi tại toạ độ 15o29’58’’ vĩ bắc - 111o12’06’’ kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào trong thềm lục địa của Việt Nam 80 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý. Trung Quốc hạ đặt giàn khoan này để tiến hành khoan thăm dò thềm lục địa của Việt Nam và huy động hàng trăm tàu bảo vệ, máy bay... đến vùng biển này.  

Việc làm này của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc đã xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.  

Ngày 4/5, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có thư gửi Chủ tịch và Tổng giám đốc của Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc cực lực phản đối hành động này và kiên quyết yêu cầu Tổng Công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc dừng ngay lập tức các hoạt động bất hợp pháp và rút giàn khoan Hải Dương 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.  

Phía Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng, trao đổi với phía Trung Quốc về vụ việc trên nhưng phía Trung Quốc vẫn không hợp tác, rút giàn khoan trái phép ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Nhiều ngày qua, các tàu của Trung Quốc liên tục tấn công, phun vòi rồng, đâm va nhằm cản trở tàu của cảnh sát biển, kiểm ngư Việt Nam thực hiện quyền chấp pháp tại vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam.  

Cộng đồng quốc tế lên tiếng chỉ trích Trung Quốc hiếu chiến khi hạ giàn khoan trái phép tới vùng biển Việt Nam và dùng tàu tấn công tàu Việt Nam. 

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm