Sau một năm mạnh tay kìm kẹp ngành công nghiệp bất động sản, chính quyền trung ương và các chính quyền địa phương của Trung Quốc liên tục đưa ra những biện pháp hỗ trợ nhằm vực dậy thị trường nhà ở.
Bloomberg đưa tin hôm 15/5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã cắt giảm lãi suất cho khoản vay thế chấp đối với những khách hàng mua nhà lần đầu. Động thái này nhằm thúc đẩy thị trường nhà ở đang lao dốc và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, theo thông báo của PBoC, lãi suất của khoản vay thế chấp đối với những khách hàng mua nhà lần đầu sẽ giảm từ 4,6% xuống còn 4,4%. "Sự thay đổi này nhằm hỗ trợ nhu cầu nhà ở, thúc đẩy đà phát triển ổn định và lành mạnh của thị trường bất động sản", PBoC tuyên bố.
Doanh số bán nhà và giá nhà lao dốc sau khi Bắc Kinh chấn chỉnh ngành công nghiệp bất động sản, vốn đã tăng trưởng quá nóng nhờ vay nợ ồ ạt. Ảnh: Reuters. |
Đổi thái độ
"Thông báo này là một bước đi đúng hướng, có sức ảnh hưởng lớn hơn những động thái nới lỏng trước đó của các chính quyền địa phương. Nhưng chúng tôi cho rằng Trung Quốc vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn để ổn định thị trường", các nhà kinh tế của Goldman Sachs nhận xét.
Thị trường nhà ở là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế thứ 2 thế giới. Nhưng ngành công nghiệp này đã lao dốc trong gần một năm. Doanh số bán nhà sụt giảm với tốc độ 2 chữ số mỗi tháng kể từ tháng 8/2021.
Thông báo này là một bước đi đúng hướng, có sức ảnh hưởng lớn hơn những động thái nới lỏng trước đó của các chính quyền địa phương. Nhưng chúng tôi cho rằng Trung Quốc vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn để ổn định thị trường
Các nhà kinh tế của Goldman Sachs
Giá nhà mới lao dốc sau khi chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản. Những biện pháp chống dịch gắt gao cũng gây tổn hại nghiêm trọng tới niềm tin và cơ hội mua nhà của khách hàng.
Quyết định cắt giảm lãi suất được đưa ra sau khi hoạt động cho vay thế chấp lao dốc nghiêm trọng trong tháng 4. Đà giảm tiếp diễn bất chấp những nỗ lực thúc đẩy nhu cầu của các chính quyền địa phương thông qua việc nới lỏng quy định.
Doanh số bán nhà tiếp tục giảm tại các thành phố lớn vào đầu tháng này. Trong tuần đầu tiên của tháng 5, doanh số ở 23 thành phố lớn lao dốc 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Doanh số bán nhà tại Trung Quốc sụt giảm trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng nói chung chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các biện pháp chống dịch gắt gao.
Doanh số bán lẻ trong tháng 4 đã giảm 11,1% so với một năm trước đó, đánh dấu mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Tại Thượng Hải, lệnh phong tỏa khiến doanh số bán xe tháng 4 bằng 0.
Hỗ trợ có mục tiêu
Giới chức Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho các hộ gia đình có nhiều con sở hữu thêm nhà đất. Động thái này nhằm vực dậy thị trường nhà ở và tăng tỷ lệ sinh.
Hôm 17/5, thành phố Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) cho biết các hộ gia đình có 3 con có thể mua thêm căn hộ. Người con thứ 3 phải được sinh sau ngày 31/5/2021. Những gia đình này cũng được ưu tiên hơn các khách hàng khác khi mua nhà mới.
Như vậy, Hàng Châu trở thành thành phố đông dân đầu tiên kết hợp nới lỏng kiểm soát đối với lĩnh vực bất động sản và tăng tỷ lệ sinh. Trước đó, ít nhất 7 thành phố nhỏ hơn đã thực hiện các điều chỉnh chính sách tương tự.
"Chính sách này có thể cùng lúc thúc đẩy mua nhà và khuyến khích sinh thêm con", nhà phân tích Gao Yuansheng tại China Index Holdings bình luận.
Hàng Châu cũng tạo điều kiện cho các thương vụ mua bán nhà ở những khu vực trung tâm, sau khi thị trường bất động sản thứ cấp suy yếu trong quý I/2022.
Theo ông Yan Yuejin - Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-house, các thành phố khác cũng có thể chuyển sang những chính sách ưu tiên cho các gia đình nhiều con.
Thời điểm | Thành phố | Biện pháp hỗ trợ |
Tháng 4 | Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh | Cho phép các gia đình có con thứ 2 hoặc 3 mua thêm một căn nhà nếu đứa trẻ đó dưới 18 tuổi. |
Tháng 4 | Đạt Châu, tỉnh Tứ Xuyên | Cho phép các gia đình có con thứ 2 hoặc 3 được hưởng khoản trả trước thấp hơn, lãi suất thế chấp thấp hơn và giảm giá cho căn nhà mua thêm. |
Tháng 4 | Vô Tích, tỉnh Giang Tô | Cho phép các gia đình có con thứ 2 hoặc 3 mua thêm một căn nhà và vay khoản thế chấp lớn hơn. |
"Các chính quyền địa phương không nới lỏng toàn diện, mà đưa ra những biện pháp có mục tiêu và chi tiết hơn", ông bình luận.
Cuộc suy thoái trong lĩnh vực bất động sản đã kéo tụt tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, buộc chính quyền Bắc Kinh phải nới lỏng dây cương với ngành địa ốc và đưa ra các biện pháp hỗ trợ kinh tế.
Hồi cuối tháng 4, PBoC và Ủy ban Quản lý Ngân hàng và Bảo hiểm Trung Quốc đã triệu tập đại diện của 18 ngân hàng thương mại và 5 công ty quản lý tài sản (AMC) lớn của nước này. Cuộc họp nhằm thảo luận về việc hỗ trợ tài chính cho các tập đoàn địa ốc Trung Quốc.
"Lập trường của chính quyền Trung Quốc là cố ngăn những tác động tiêu cực từ lĩnh vực bất động sản lan sang toàn bộ nền kinh tế", ông Gary Ng - nhà kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis - bình luận.