Nhiều học giả trong nước và quốc tế đã lên tiếng phê phán hành động của Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, nhất là hành động bạo lực của các tàu Trung Quốc đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu dân sự của Việt Nam đang thực thi pháp luật trên biển, đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Các học giả đã ghi lại vết đâm toạc trên thân tàu ĐNa 90152 và cho rằng hành vi của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được. |
"Dù Trung Quốc có tham gia vụ kiện này hay không thì Việt Nam cũng nên đưa việc này ra tòa án quốc tế, để qua đó có thể tranh thủ sự ủng hộ của dư luận quốc tế. Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Việt Nam trong cuộc chiến pháp lý về chủ quyền", Giáo sư ERIC FRANCKX (Đại học Tự do Brussels, Bỉ).
Cũng trong sáng 21/6, tại Bảo tàng Đà Nẵng, các học giả quốc tế đã tham dự triển lãm với chủ đề “Hoàng Sa - Trường Sa: Phần lãnh thổ không thể tách rời của Việt Nam”.
Triển lãm trưng bày các tư liệu, hiện vật lần đầu tiên được công bố là những bằng chứng lịch sử khẳng định Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa một cách hòa bình, liên tục từ nhiều thế kỷ nay.Những tư liệu và bộ sưu tập bản đồ trưng bày giới thiệu tại cuộc triển lãm này khẳng định Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ rất sớm, bằng con đường hòa bình và do các triều đại phong kiến, các Nhà nước Việt Nam thời cận đại và hiện đại liên tục thực thi và bảo vệ chủ quyền một cách hợp pháp đối với hai quần đảo này, cũng như đối với những vùng biển khác trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam, hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu trước các học giả quốc tế và công chúng, ông Bùi Văn Tiếng - trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng kiêm chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng - cho rằng: “Việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc không chỉ để khoan thăm dò dầu khí mà chủ yếu “khoan thăm dò” sức chịu đựng và lòng yêu nước của người Việt. Đồng thời nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò (đường chín đoạn) sai trái của họ.
Chúng tôi hi vọng triển lãm không chỉ góp phần vào cuộc đấu tranh ngoại giao và pháp lý để yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan 981, sắp tới có thể là Nam Hải 09 cùng các tàu quân sự, hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam vô điều kiện. Ngoài ra, triển lãm góp phần vào việc tranh luận học thuật, vạch trần, bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò và tham vọng độc chiếm gần hết biển Đông của Trung Quốc”.
Ông Tiếng cho biết nhiều bản đồ do các nước phương Tây và do chính Trung Quốc công bố từ nhiều thế kỷ qua, đặc biệt tấm bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do triều đình nhà Thanh xuất bản năm 1904, bản đồ tỉnh Quảng Đông do Trung Hoa Dân Quốc xuất bản đã chứng tỏ Trung Quốc không hề có cơ sở lịch sử và căn cứ pháp lý để đòi hỏi yêu sách chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Hành vi không thể chấp nhận được
Chiều 21/6, các học giả quốc tế đã có chuyến viếng thăm con tàu ĐNa 90152 của bà Huỳnh Thị Như Hoa (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) bị tàu Trung Quốc đâm chìm chiều 26/5 trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam. Tại buổi viếng thăm, các học giả đã ghi lại vết đâm toạc trên thân tàu và cho rằng hành vi của Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Việt Nam là không thể chấp nhận được.