Công nhân đang tu sửa Vạn Lý Trường Thành. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Quỹ Di tích Thế giới, trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) năm 2003 liệt Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc vào danh sách 100 di tích lịch sử đang bị đe dọa nhất.
Phó giám đốc tổ chức bảo tồn China Great Wall Society (CGWS) Dong Yaohui hôm 29/6 cho biết phần cấu trúc ổn định của công trình nổi tiếng thế giới này chủ yếu tập trung tại tỉnh Hà Bắc và thủ đô Bắc Kinh. Tuy nó bền chắc hơn so với gạch bùn phơi khô ở các phần khác nhưng cũng dễ bị tàn phá bởi bão.
Các dữ liệu địa phương cho thấy mùa hè năm 2012, một đoạn tường thành dài 36 m ở địa phận Trương Gia Khẩu, phía tây bắc tỉnh Hà Bắc đã bị bão quật và hư hại. Một đoạn tường thành ở Tần Hoàng Đảo cũng bị hở, trong khi một số tháp chiến đấu ở huyện Lai Nguyên, phía tây tỉnh Hà Bắc, sụp đổ hoàn toàn.
Ngay cả trong mùa khô, do thiếu sự bảo vệ nên đoạn tường thành ở miền núi tỉnh Hà Bắc bị nước suối xói mòn và thực vật xâm lấn, mọc len lỏi trong các vết nứt trên tường. Tại huyện Phú Ninh, thành phố Tần Hoàng Đảo, nếu chạm vào các bức tường của tháp canh, người ta sẽ thấy đất lột ra từng mảng.
Theo ông Zhang Heshan, một bảo vệ Vạn Lý Trường Thành ở huyện Phú Ninh, khách du lịch cũng góp phần làm cho công trình này xuống cấp. Vì không đủ nhân lực triển khai dọc tường thành và thiếu kinh phí nên chính quyền địa phương không thể khôi phục các hư hại.
Một du khách đi trên đoạn Vạn Lý Trường Thành ở tỉnh Hà Bắc. Ảnh: China Daily |
Tờ Beijing Times còn cho biết cư dân quanh Vạn Lý Trường Thành lén ăn trộm gạch trên tường thành về xây nhà, thậm chí mang đem bán cho các nghệ nhân điêu khắc. Một cư dân giấu tên ở huyện Lô Long, phía tây thành phố Tần Hoàng Đảo, tiết lộ giá trị mỗi viên gạch khá lớn, từ 30 đến 50 nhân dân tệ (từ 100.000 đến 180.000 đồng) nên nhiều người trộm gạch về bán kiếm tiền.
Ngay cả các công ty du lịch cam kết bảo vệ Vạn Lý Trường Thành nhưng họ cũng chỉ chăm chăm vào nguồn thu mà không để ý công trình lịch sử này đang ngày một xuống cấp.