Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Trung Quốc đâm sau lưng Indonesia trên Biển Đông’

Đây là nhận định của nhà nghiên cứu cao cấp Beni Sukadis thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc phòng Indonesia trong cuộc trao đổi với Zing.vn về tình hình Biển Đông.

Ngày 21/3, chính quyền Jakarta cáo buộc tàu cảnh sát biển Trung Quốc ngăn chặn lực lượng chấp pháp Indonesia bắt một tàu cá trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của quốc gia Đông Nam Á. Khu vực xảy ra sự cố nằm gần quần đảo Natuna và ở bên ngoài phạm vi bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc.

Indonesia nổi giận, triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Jakarta và đe dọa kiện Bắc Kinh ra tòa án quốc tế. Trung Quốc cũng nhiều lần thừa nhận vùng biển xung quanh Natuna thuộc chủ quyền Indonesia. Vụ việc diễn ra khi mối quan hệ Trung Quốc - Indonesia đang phát triển tốt đẹp.

Để có cái nhìn toàn cảnh về sự kiện này, Zing.vn đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu Beni Sukadis.

Trung Quoc dam sau lung Indonesia anh 1
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: AP

Trung Quốc nhiều lần gây hấn với Indonesia

- Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh để bảo vệ tàu cá đánh bắt phi pháp trên vùng biển Indonesia, quanh quần đảo Natuna. Khu vực này nằm trong EEZ của Indonesia nhưng Trung Quốc lại gọi đó là ngư trường truyền thống. Ông đánh giá như thế nào về hành động vừa qua của Bắc Kinh?

Trung Quoc dam sau lung Indonesia anh 2

Ông Beni Sukadis, nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng Indonesia. Ảnh:

Linkedin.com

- Tôi cực lực lên án hành động của Trung Quốc. Nó cho thấy Bắc Kinh quyết hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Việc Trung Quốc sử dụng sức mạnh cơ bắp với các nước láng giềng nhỏ hơn là điều đáng tiếc. Nhưng đây không phải lần đầu tiên họ gây hấn với lực lượng thực thi pháp luật Indonesia đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền trong EEZ.

Việc Trung Quốc đưa tàu cá và tàu công vụ lộng hành trong EEZ của Indonesia đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của chúng tôi. Những sự việc như thế phản ánh một phần mối quan hệ giữa Trung Quốc và Indonesia.  Chính phủ Indonesia đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc ở Jakarta để phản đối.

- Quần đảo Natuna nằm ngoài bản đồ "đường lưỡi bò" phi pháp của Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần xác nhận vấn đề này. Theo ông, tại sao Trung Quốc lại gây hấn với Indonesia trên Biển Đông khi mối quan hệ song phương đang tương đối tốt đẹp?

- Tôi nghĩ rằng việc làm của Bắc Kinh tiếp tục cho thấy tham vọng hiện thực hóa yêu sách lãnh thổ trên Biển Đông và các khu vực xung quanh. Trên thực tế, cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc công bố chồng lấn lên EEZ của Indonesia và các nước khác.

Vì thế, tôi tin rằng các vụ đụng độ tương tự như vừa qua sẽ tiếp tục xảy ra trên Biển Đông, khi nhà chức trách Indonesia nỗ lực bảo vệ chủ quyền trước hành vi đánh bắt bất hợp pháp của tàu cá Trung Quốc.

Trong quá khứ, Trung Quốc đã nhiều lần vấp phải sự mạnh tay của chính phủ Indonesia trong nỗ lực bảo vệ tài nguyên trên biển. Dường như Trung Quốc đang chơi trò hai mặt. Một bên, Trung Quốc nỗ lực gần gũi hơn với Indonesia thông qua các chương trình hợp tác, hỗ trợ kinh tế.

Mặt khác, Bắc Kinh lại đâm lén sau lưng Jakarta bằng chiêu đánh bắt bất hợp pháp trên biển. Tôi nghĩ rằng, đã đến lúc Indonesia cần xem xét lại mối quan hệ với Trung Quốc và những âm mưu ẩn sau các chính sách hỗ trợ kinh tế.

Trung Quốc sẽ lấn tới

- Dù Indonesia nhiều lần tuyên bố không phải một bên trong tranh chấp trên Biển Đông nhưng Trung Quốc vẫn gây hấn. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm Bắc Kinh đang thách thức Jakarta?

Trung Quoc dam sau lung Indonesia anh 3
Một tàu hải cảnh khác của Trung Quốc hoạt động trên biển. Ảnh: Tân Hoa Xã

- Tôi nghĩ có thể đây là quan điểm chuẩn xác. Dường như Bắc Kinh đang gây sự để thử phản ứng của Jakarta. Nếu chúng tôi không có những hành động cứng rắn, Trung Quốc sẽ tiếp tục lấn tới.

- Một số chuyên gia quan hệ quốc tế nhận định sự cố mới đây trên Biển Đông có thể làm thay đổi chính sách đối ngoại của Indonesia. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ quan điểm này là đúng. Tuy nhiên, phản ứng của chính phủ Indonesia phụ thuộc vào áp lực trong nước. Trước sức ép lớn từ dư luận, Jakarta sẽ phải hành động sao cho phù hợp với mong muốn và lợi ích của người dân. Người dân Indonesia cũng sẽ đứng lên cùng chính phủ để chống lại những hành động vi phạm luật pháp quốc tế.

- Theo ông, Indonesia và các nước ASEAN khác cần làm gì để ngăn chặn tham vọng chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông?

- Tôi xin nhấn mạnh rằng, đầu tiên và quan trọng nhất, chính sách đối ngoại của Indonesia sẽ không bao giờ tách biệt với chính sách đối ngoại của ASEAN. ASEAN đang bước vào một kỷ nguyên mới của sự đoàn kết và hợp tác. ASEAN cũng có những tiêu chí cụ thể để giải quyết tranh chấp, trong đó có việc hối thúc các nước thành viên làm việc cùng nhau để thông qua Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Tuy nhiên, COC chỉ có thể phát huy hiệu quả khi Trung Quốc chấp nhận ký kết và tuân thủ thỏa thuận này. Đây vẫn là mục tiêu mà các nước ASEAN cần phải đạt được nhằm giải quyết tình hình Biển Đông.

Indonesia có thể kiện Trung Quốc vì xâm phạm lãnh hải

Indonesia ngày 21/3 phản đối mạnh mẽ việc một tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu tuần tra của nước này đang làm nhiệm vụ quanh quần đảo Natuna cuối tuần qua.

Hồng Duy (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm