Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc đã chấm dứt thời đại hàng nhái, giá rẻ?

30 năm qua, nền kinh tế Trung Quốc lớn mạnh nhờ sao chép các mô hình kinh doanh, sản phẩm từ phương Tây, giá lao động rẻ mạt. Điều đó nay đã thay đổi?

Shaun Rein là nhà sáng lập và giám đốc điều hành của China Market Research Group (CMR), một công ty nghiên cứu thị trường từng giúp nhiều công ty như Apple, KFC, Richemont, LG Electronics. Shaun Rein làm nhiều việc ở Trung Quốc, tiếp xúc với những nhân vật quan trọng trong giới kinh doanh tại Trung Quốc, bởi thế ông có hiểu biết về nền kinh tế này.

Bằng những kiến thức, kinh nghiệm, sự quan sát, phân tích của mình, Shaun Rein đã viết hai cuốn sách Chấm dứt thời đại Trung Quốc giá rẻ Chấm dứt thời đại Trung Quốc hàng nhái, xuất bản năm 2014.

Sach ve kinh te Trung Quoc anh 1
Hai cuốn sách về kinh tế của Shaun Rein.

Thời đại Trung Quốc giá rẻ đã chấm dứt?

Nhiều người nghĩ về Trung Quốc như một nguồn cung cấp lao động giá rẻ vô tận. Tấm thẻ “Made in China” (sản xuất tại Trung Quốc) đính kèm sản phẩm lấp đầy những kệ hàng ở trong những siêu thị tại Mỹ.

Dân số lớn nhất thế giới của Trung Quốc, 1,3 tỷ người, khiến nhiều người kết luận rằng hẳn phải có vô số người Trung Quốc sẵn lòng nhảy vào làm việc ở một nhà máy và sản xuất ra thêm nhiều sản phẩm để người Mỹ tiêu thụ.

Trong cuốn Chấm dứt thời đại Trung Quốc giá rẻ - những xu hướng kinh tế và văn hóa sẽ làm đảo lộn thế giới, tác giả kể: “Vào giữa những năm 1990, cơ hội làm ăn ở Trung Quốc thật hiếm hoi, nên ngay cả những cô gái trẻ đẹp nhất cũng đủ tuyệt vọng để đi làm gái điếm, bán thân để có cái ăn và gửi tiền về quê”.

Tác giả Shaun Rein chỉ ra tăng trưởng kinh tế ở Mỹ trong ba thập niên qua có thể được đóng góp phần lớn bởi việc người lao động Trung Quốc sẵn lòng làm việc cật lực với mức lương rẻ mạt trong những nhà máy làm ra các sản phẩm mà người Mỹ ưa thích: máy tính Apple, giày Nike, quần áo kaki Gap…

Mức lương thấp đã tạo ra lợi nhuận khổng lồ cho những công ty Mỹ nào chọn cách di chuyển hoặc lấy nguồn từ các nhà máy Trung Quốc, đã làm cho hàng điện tử và tiêu dùng, quần áo trở nên rẻ rúng với giới bình dân Mỹ.

Trong nhiều thập niên, sự hợp tác, dàn xếp này có lợi cho các bên liên quan. Giai cấp trung lưu Mỹ chất đầy nhà hết sản phẩm này tới sản phẩm khác với giá rẻ khó tin, trong khi người lao động Trung Quốc kiếm đủ ăn và có một mái nhà cơ bản.

Theo Shau Rein, người lao động Trung Quốc giờ đây đang sôi sục niềm lạc quan và nhìn thấy cơ hội làm giàu khắp nơi. Bởi vậy, họ không còn “chấp nhận hạ mình làm những công việc tủi nhục, lao động như nô lệ trong những nhà máy cách xa nhà và gia đình hàng nghìn km, hay đổ mồ hôi với những công việc không cho họ cơ hội đạt được giấc mơ cổ cồn trắng”.

Thay vì một thị trường để sản xuất, Trung Quốc đã trở thành một thị trường để tiêu thụ. Giai cấp tiêu dùng đầy lạc quan thúc đẩy cho tăng trưởng doanh thu với những thương hiệu có thể đổi mới và chăm lo cho sở thích của họ.

 Những tiến bộ về khoa học công nghệ, chính sách đúng đắn, sự chuyển dịch từ thị trường sản xuất sang thị trường tiêu thụ, đời sống người Trung Quốc ngày một tăng cao.

Trong sách, tác giả cũng nhận định, Trung Quốc là một siêu cường mới của thế giới. “Sự tập trung hết mức của Trung Quốc vào tăng trưởng kinh tế, và sự tôn trọng thương mại tự do và chủ nghĩa tư bản còn lớn hơn so với Mỹ, đồng nghĩa Trung Quốc có thể là cỗ máy tăng trưởng cho nhiều ngành”.

Sach ve kinh te Trung Quoc anh 2
Tác giả Shaun Rein cùng hai cuốn sách bản tiếng Anh của mình.

Thời đại hàng nhái của Trung Quốc đã chấm dứt?

Bên cạnh lao động rẻ, hàng nhái, sao chép mô hình kinh doanh là một vấn đề lớn của nền kinh tế Trung Quốc.

Cuối những năm 1990, không có công ty khởi nghiệp công nghệ non trẻ nào của Trung Quốc như Sohu, Sina và Focus Media, được coi là sáng tạo đáng kể. Họ đã sao chép mô hình kinh doanh từ các doanh nghiệp phương Tây, như cổng thông tin Internet Yahoo!, JCDcaux… và điều chỉnh chúng cho hợp với người tiêu dùng Trung Quốc.

Ở thời kỳ đó, việc sao chép mô hình kinh doanh đã được chứng minh là thành công ở Mỹ là đã có thể kiếm được nhiều tiền, chẳng có lý do thực tế nào khiến họ phải sáng tạo.

Sau khi viết xong cuốn Chấm dứt thời đại Trung Quốc giá rẻ, nhà sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Shaun Rein bắt tay viết tiếp cuốn Chấm dứt thời đại Trung Quốc hàng nhái - Sự trỗi dậy có tính sáng tạo, tinh thần cách tân và chủ nghĩa cá nhân ở châu Á.

Ngay từ phần “Mở đầu” sách, tác giả viết về nền kinh tế Trung Quốc với “căn bệnh” hàng nhái: “Được biết đến nhiều hơn vì nạn ăn cắp bản quyền tràn lan và nền kinh tế do nhà nước chi phối cùng bàn tay điều tiết nặng nề đã kìm hãm sự sáng tạo”.

Shaun Rein kể, khi ông tham gia một chương trình truyền hình của MSNBC, người dẫn chương trình Dylan Ratigan không che giấu suy nghĩ, cho rằng Trung Quốc “lường gạt” Mỹ bằng “thương mại gian lận” và vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhiều người Mỹ tin tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc suốt 30 năm kể từ khi họ mở cửa vào năm 1978 là dựa trên việc sao chép sở hữu trí tuệ, gian lận tỷ giá và phỗng tay trên công ăn việc làm của người Mỹ.

Bằng quan sát của mình, Shaun Rein nhận định, Trung Quốc đang có những chuyển biến thay đổi tình trạng hàng nhái.  Đất nước này đã có những động thái nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, đồng tiền “tệ” đã tăng giá trị thêm 25% so với đồng USD từ năm 2005.

Người tiêu dùng Trung Quốc đã bắt đầu thờ ơ với các loại hàng nhái để trở thành nhóm khách hàng mua sắm hàng hiệu lớn thứ hai trên toàn cầu và là nhóm khách du lịch chi tiêu nhiều nhất tại Pháp, Mỹ.

“Tôi đã gặp hàng chục tỉ phú, hàng trăm chuyên gia cao cấp… của các công ty lớn nhất trên thế giới… Hầu hết những lãnh đạo doanh nghiệp tôi gặp đều nghĩ rằng sự tăng trưởng của đất nước này (Trung Quốc –pv) dựa vào các khoản đầu tư lớn, xuất khẩu và đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ. Nhưng rất ít người nhận ra rằng 50% tăng trưởng trong năm 2013 là từ tiêu dùng” – tác giả sách viết.

Chấm dứt thời đại Trung Quốc hàng nhái được viết nhằm chỉ ra những thay đổi đang diễn ra trong nền kinh tế Trung Quốc, và dự báo những đại xu thế trong thập kỷ tới, nhằm cung cấp một khung làm việc cho các nhà đầu tư và các lãnh đạo doanh nghiệp.

Tác giả sách nhận định, Trung Quốc đang chấm dứt thời đại hàng nhái, và chứng mình bằng các biểu hiện. Thứ nhất, các công ty Trung Quốc không còn là các mô hình kinh doanh bắt chước Mỹ và châu Âu. Họ vẫn nắm chắc những lợi nhuận trước mắt nhưng tập trung đổi mới sáng tạo. Các hãng sản xuất thiết bị viễn thông như Huawei đã chiếm thị phần từ Ericson, Cisco. Còn Lenovo thay thế Hewlett-Packard trở thành nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất năm 2013.

Thứ hai, người tiêu dùng Trung Quốc không còn mù quáng bắt chước những xu hướng từ Mỹ và Tây Âu. Phong trào định nghĩa giấc mơ Trung Hoa và khôi phục niềm kiêu hãnh về nền văn hóa Trung Hoa đã dẫn tới việc người tiêu dùng tránh xa những hình ảnh trong các quảng cáo phương Tây.

Hai cuốn sách của tác giả Shaun Rein được viết với văn phong kể chuyện kết hợp với số liệu chính xác và những phân tích, nhận xét sắc sảo. Tác giả xuất phát từ những câu chuyện thực tế mà ông gặp, trong quá trình tiếp xúc với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, người lao động và quan chức, kết hợp với kinh nghiệm tích lũy trong quá trình làm việc, để từ đó đưa ra những nhận xét mang tính xu thế về nền kinh tế Trung Quốc.

Bill Gates trở thành biên tập viên khách mời đầu tiên của tạp chí Time

Và lần đầu tiên trong lịch sử 94 năm, tạp chí Time đón chào một biên tập viên là tỷ phú nhiệt huyết, giàu lòng nhân ái như Bill Gates.



Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm