Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc cử phái đoàn nhỏ bất thường đến Davos

Phái đoàn Trung Quốc tại Davos năm nay chỉ tham gia 4 trong tổng hơn 200 phiên thảo luận. Điều này cho thấy chính sách Zero Covid-19 đang hạn chế tiếng nói của Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc vắng mặt trong hầu hết cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos đặt ra câu hỏi về mức độ tổn thất của Bắc Kinh khi duy trì chính sách Zero Covid-19.

Theo các nhà quan sát, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định chính sách toàn cầu, đã bỏ lỡ cơ hội vạch ra các mục tiêu chính sách và trấn an doanh nghiệp nước ngoài - những người đang ngày càng thất vọng với chiến lược chống dịch cứng rắn của Bắc Kinh.

Hội nghị thường niên của WEF được tổ chức trực tiếp lần đầu tiên sau hơn 2 năm, có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết sự chia rẽ về nhiều vấn đề trên toàn cầu, bao gồm khủng hoảng lương thực và lạm phát cao do chiến sự ở Ukraine, áp lực từ lệnh thắt chặt tiền tệ của Mỹ và mức nợ cao ở các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ chỉ tham gia 4 trong tổng hơn 200 phiên thảo luận kéo dài 4 ngày, bắt đầu từ 23/5, theo lịch trình được ban tổ chức công bố.

Bất lợi cho Trung Quốc

Phái đoàn của Trung Quốc năm nay rất khác so với các cuộc họp thường niên trước đây. Đó là thời gian các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, học giả và nhà báo Trung Quốc tràn ngập thị trấn Thụy Sĩ.

“Các nhà chức trách và lãnh đạo doanh nghiệp Trung Quốc không còn ra nước ngoài nữa. Họ đang bỏ lỡ việc chia sẻ cách suy nghĩ của Bắc Kinh và các (thông tin) kinh doanh”, ông Joerg Wuttke, Chủ tịch phòng Thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, cho biết.

Dien dan Kinh te the gioi Davos anh 1

Hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022. Ảnh: Xinhua.

Trong hội nghị lần này, đại diện cấp cao nhất của Trung Quốc là Đặc phái viên về biến đổi khí hậu Giải Chấn Hoa. Ông dự kiến ngồi cạnh người đồng cấp Mỹ John Kerry trong cuộc thảo luận kéo dài một giờ với chủ đề Bảo vệ Hành tinh và Con người, diễn ra vào ngày 24/5.

Có hai phiên thảo luận liên quan trực tiếp đến Trung Quốc. Một là Triển vọng Kinh tế và Đầu tư Trung Quốc, diễn ra vào chiều 23/5, với sự tham gia của Phó hiệu trưởng Học viện Tài chính Cao cấp Thượng Hải Zhu Ning và người sáng lập Yidu Tech Gong Yingying.

Phiên thảo luận thứ hai là về vị trí của Trung Quốc trong quá trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu với sự tham gia của ông Ni Jun, Giám đốc điều hành nhà sản xuất pin Contemporary Amperex Technology và ông Zhang Zhigang, Chủ tịch tập đoàn State Grid.

Phái đoàn lần này hoàn toàn trái ngược với các hội nghị trước đây. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình có bài phát biểu quan trọng tại Diễn đàn Davos 2017, ông được tháp tùng bởi phái đoàn quan chức lớn nhất từ ​​trước đến nay của Trung Quốc, bao gồm 2 trong số 7 thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị và Ủy viên Quốc vụ Dương Khiết Trì.

Một số chuyên gia cho rằng việc vắng mặt ở các cuộc thảo luận sẽ khiến Trung Quốc không có tiếng nói về nhiều vấn đề được quan tâm, chẳng hạn Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), tiền kỹ thuật số, toàn cầu hóa, an ninh lương thực và Chiến tranh Lạnh 2.0.

Đề cập đến tình trạng này, ông Wang Huiyao, người sáng lập và chủ tịch của một công ty tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh, cho rằng mức độ tham gia của Trung Quốc trong năm nay thấp hơn nhiều do “yếu tố kỹ thuật”. Đó là chính sách kiểm dịch Covid-19 nghiêm ngặt.

Theo đó, cơ quan quản lý nhập cư của Trung Quốc gần đây đã cam kết ngăn chặn các chuyến đi nước ngoài không cần thiết, trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường gấp đôi nỗ lực kiểm soát sự bùng phát của biến chủng Omicron.

“Điều này chắc chắn gây bất lợi cho Trung Quốc”, ông Wang nói.

Thời điểm tế nhị

Sự vắng mặt của Bắc Kinh ở Davos trong tuần này đến vào một thời điểm tế nhị. Thế giới đang cùng lúc vật lộn với đại dịch và chiến sự tại Ukraine - hai vấn đề sẽ là trung tâm trong các cuộc đàm phán. Và điều này chắc chắn sẽ hạn chế tiếng nói của Bắc Kinh trên trường quốc tế.

“Thủ tướng Lý Khắc Cường hiểu điều này. Ông ấy cũng cho rằng Trung Quốc cần tái kết nối và quay lại diễn đàn toàn cầu, đồng thời nhấn mạnh rằng sự tiếp xúc của con người là rất quan trọng”, ông Wuttke, người đã tham dự một sự kiện trước đó với thủ tướng Trung Quốc, cho biết.

Dien dan Kinh te the gioi Davos anh 2

Khu nghỉ dưỡng Davos tại Thụy Sĩ, nơi tổ chức hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: AFP.

Các diễn giả chính tại hội nghị lần này bao gồm các nhà lãnh đạo như Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde và các doanh nhân nổi tiếng như Ray Dalio và Bill Gates.

Trước sự kiện, bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã gọi chiến dịch của Nga ở Ukraine là "một cuộc khủng hoảng trong khủng hoảng", đồng thời cảnh báo về sự chia rẽ địa kinh tế. Theo đó, khoảng 30 quốc gia đã hạn chế thương mại lương thực, năng lượng và các mặt hàng quan trọng khác kể từ khi chiến sự nổ ra.

"Chỉ có hợp tác quốc tế mới có thể giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu như khắc phục tình trạng thiếu lương thực và các sản phẩm khác, loại bỏ các rào cản đối với tăng trưởng và cứu khí hậu của chúng ta", bà Georgieva viết trên blog trực tuyến hôm 22/5.

Trung Quốc có mối liên hệ chặt chẽ với Diễn đàn Kinh tế Thế giới và là nhà tổ chức hội nghị thường niên Davos mùa hè (Summer Davos) tại các thành phố Thiên Tân hoặc Đại Liên từ năm 2007. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị đình chỉ trong 2 năm qua và vẫn chưa có dấu hiệu trở lại.

Hàng loạt triệu phú hô hào: Hãy đánh thuế chúng tôi ngay đi

Một nhóm triệu phú đã tham gia biểu tình phản đối Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) và yêu cầu “đánh thuế chúng tôi ngay bây giờ” để giải quyết chênh lệnh giàu nghèo.

Giới nhà giàu Nga 'biến mất' tại Davos

Giao tranh Ukraine khiến những gì liên quan tới Nga không còn ở hội nghị năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bao gồm giới nhà giàu Nga cùng những bữa tiệc thường thấy.

Hải Linh

Theo South China Morning Post

Bạn có thể quan tâm