Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giới nhà giàu Nga 'biến mất' tại Davos

Giao tranh Ukraine khiến những gì liên quan tới Nga không còn ở hội nghị năm nay của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bao gồm giới nhà giàu Nga cùng những bữa tiệc thường thấy.

Hội nghị trực tiếp đầu tiên trong hai năm của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) sẽ trở lại vào ngày 22/5 tại địa điểm như thường lệ: Khu nghỉ dưỡng Davos trên rặng núi Alps của Thụy Sĩ. Nhưng Davos lần này sẽ không như mọi năm.

Khác biệt đầu tiên là về thời tiết. Vì diễn đàn WEF năm nay không diễn ra vào cuối tháng một như thường lệ, giới giàu có và quyền lực tụ hội ở đây sẽ không còn phải chịu những cơn gió đông lạnh buốt của rặng núi Alps.

Nhưng lơ lửng bên trên diễn đàn lần này còn là cuộc xung đột diễn ra cách đó hàng trăm dặm tại Ukraine. Cuộc giao tranh ấy đã đặt dấu chấm hết cho hàng chục năm Nga có sự hiện diện và tầm ảnh hưởng lớn tại Davos.

Chỉ trong thoáng chốc, bất cứ thứ gì có chút “Nga” trở thành điều cấm kỵ và WEF cũng không ngoại lệ. Davos năm nay sẽ là diễn đàn WEF đầu tiên tại Thụy Sĩ kể từ năm 1991 không có sự tham gia của bất cứ quan chức hoặc lãnh đạo doanh nghiệp nào tới từ Nga.

gioi nha giau Nga tai Davos anh 1

Khu nghỉ dưỡng Davos tại Thụy Sĩ, nơi tổ chức hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Ảnh: AFP.

Không có người Nga tại Davos năm nay

Suốt một thời gian dài, sự hiện diện của nước Nga tại Davos đã tăng dần cả về số lượng lẫn mức độ gây chú ý, thu hút nhiều nhân vật nặng ký như cựu Tổng thống Dmitry Medvedev vào năm 2011 hay ông Vladimir Putin vào năm 2009, thời điểm ông Putin là thủ tướng Nga.

Nhưng lúc này, các doanh nghiệp Nga hiện không còn là đối tác chiến lược của WEF, trong khi nhóm tập đoàn quốc tế này trước đó từng đóng vai trò lớn trong lịch trình các sự kiện tại Davos, với mức phí họ bỏ ra lên tới 615.000 USD/năm.

Ngôi nhà Nga (“Russia House”) - địa điểm chính thức của nước Nga tại Davos và là nơi tiếp đón lượng khách đông đảo trong các chuỗi sự kiện của WEF vào những năm trước - thậm chí còn không diễn ra công tác chuẩn bị.

Trong hội nghị trực tiếp gần nhất tại Davos vào năm 2020, giới tài phiệt Nga có sự tham gia đông thứ 3 tính theo số lượng tỷ phú. Nhưng tương lai của họ tại Davos đã tan vỡ sau khi nhà sáng lập WEF, ông Klaus Schwab và Chủ tịch Borge Brende hôm 27/2 ra tuyên bố chỉ trích hành động của Nga.

gioi nha giau Nga tai Davos anh 2

Nhà tài phiệt kim loại của Nga, ông Oleg Deripaska và CEO ngân hàng VTB của Nga, ông Andrey Kostin tại Davos vào năm 2015. Ảnh: Bloomberg.

Tuyên bố ấy tương phản rõ rệt so với khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào năm 2014. Sự hiện diện của quan chức Nga tại Davos khi ấy có ít đi nhưng giới tỷ phú và lãnh đạo doanh nghiệp của nước này thì không.

Đặt chân đến rặng núi Alps vào năm 2015, chủ tịch và CEO ngân hàng VTB của Nga, ông Andrey Kostin cho biết “chúng tôi có bạn bè ở đây: Bạn bè Ukraine, bạn bè châu Âu và bạn bè Mỹ”.

Tuy quan hệ kinh doanh chịu ảnh hưởng vì lệnh trừng phạt, “điều đó không ảnh hưởng tới các mối quan hệ cá nhân”, ông Kostin, gương mặt thân quen tại Davos, khi ấy cho biết.

Cùng năm 2015, VTB tổ chức tiệc tối tại khách sạn InterContinental trong khu nghỉ dưỡng. Dù không đình đám như những sự kiện do nhà tài phiệt kim loại của Nga, ông Oleg Deripaska tổ chức qua các năm, bữa tiệc của VTB cũng thu hút đông người tham gia, trong đó có ông Schwab.

Khi ấy, ông Schwab từng nói mình muốn góp mặt để thể hiện với “những người bạn Nga của chúng tôi rằng họ được hoan nghênh tại Davos” và “Nga dù sao cũng là nước rất quan trọng tại châu Âu”.

Nhưng cũng chính ông Schwab là người ra quyết định cấm mọi công dân Nga tham gia Davos vào năm nay.

gioi nha giau Nga tai Davos anh 3

Nhà sáng lập WEF, ông Klaus Schwab (trái) cùng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Davos năm 2020. Ảnh: Shutterstock.

Davos đang tàn lụi?

Không điều gì trực tiếp thách thức thế giới quan của Davos như “chiến dịch quân sự” tại Ukraine.

Tuy Nga là đối thủ chiến lược của Mỹ và châu Âu trong nhiều năm, quan hệ kinh tế giữa Nga và phương Tây cũng rất sâu sắc. Hàng trăm tập đoàn đa quốc gia có hoạt động kinh doanh tại Nga và châu Âu còn là nhà nhập khẩu dầu lớn từ Nga.

Nhưng giao tranh vẫn bùng nổ giữa lòng châu Âu, buộc nhiều người ủng hộ toàn cầu hóa phải xem xét lại giới hạn của việc lấy chủ nghĩa tư bản thị trường tự do làm công cụ để thúc đẩy thế giới hài hòa.

“Một trong những ý tưởng lớn của WEF là sự thịnh vượng chung về kinh tế sẽ đưa thế giới xích lại gần nhau hơn”, ông Rich Lesser, Chủ tịch toàn cầu công ty tư vấn Boston Consulting Group của Mỹ, nói. “Rất đáng buồn là điều đó khó hơn nhiều so với kỳ vọng của chúng ta”.

Trong quá khứ, hội nghị WEF từng đóng vai trò trung gian hòa giải. Chính tại diễn đàn này, vào năm 1988, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký Tuyên bố Davos, đánh dấu thời kỳ mới trong cải thiện quan hệ giữa hai kẻ thù lâu năm.

gioi nha giau Nga tai Davos anh 4

Nhân viên kiểm tra một chai champagne tại quán bar khách sạn InterContinental, Davos. Ảnh: Bloomberg.

Nhưng năm nay, sẽ không có bất cứ cuộc đối thoại nào giữa Ukraine và Nga tại Davos. Thay vào đó, sẽ chỉ có một nhóm quan chức Ukraine tìm cách níu giữ sự chú ý của thế giới vào cuộc giao tranh, bao gồm bài phát biểu trực tuyến của Tổng thống Volodymyr Zelensky.

Một số người lo ngại quyết định cấm người Nga tham gia sẽ ảnh hưởng tới danh tiếng của Davos - vốn được biết tới là nơi mà mọi tiếng nói đều sẽ được lắng nghe.

“Đây là nơi mà mọi người đều được mời đúng không?”, ông Ian Bremmer, nhà khoa học chính trị người Mỹ thường xuyên dự hội nghị thường niên của WEF, nói. “Nhưng bất chợt nó không còn như vậy nữa”.

Ông Schwab cho biết ông hy vọng tình hình sẽ thay đổi. “Khi chúng tôi cắt đứt quan hệ, tôi cũng chủ động liên hệ để nói ‘diễn đàn này sẽ dành cho việc xây dựng cầu nối ở bất cứ thời điểm nào trong tương lai’”, ông nói. “Chúng tôi muốn là người xây dựng cầu nối”.

Nhưng hiện chưa rõ thời điểm ấy sẽ tới vào lúc nào, khi mà cuộc giao tranh tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Đi cùng với đó là những câu hỏi như liệu đây sẽ là xung đột tách biệt hay là khởi đầu cho quá trình tái điều chỉnh chiến lược của cường quốc trên thế giới.

Davos đã chết

Do dịch Covid-19, đây là năm thứ 2 liên tiếp hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bị hoãn, lần này là vì sự xuất hiện của biến chủng Omicron.

Cuộc tìm kiếm ý nghĩa của chủ nghĩa tư bản ở Davos giữa khủng hoảng

Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos năm nay đánh dấu nửa thế kỷ đầy biến động của chính trị và kinh tế, giữa bối cảnh chủ nghĩa tư bản rơi vào khủng hoảng và hoài nghi.

Quốc Đạt

Bạn có thể quan tâm