Đoạn phim cho thấy chú gấu trúc bạch tạng tương tác bình thường với đồng loại. Ảnh: Weibo. |
Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV hôm 27/5 đã công bố cảnh quay camera của một con gấu trúc bạch tạng tại Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia Ngọa Long, tỉnh Tứ Xuyên.
Các cảnh quay cho thấy con gấu trúc bạch tạng tương tác với đồng loại trắng đen thông thường khác ở độ cao khoảng 2.600 m. Báo cáo cho biết con gấu trúc khoảng 5-6 tuổi và dường như không gặp vấn đề nào về sức khỏe.
Li Sheng, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Bắc Kinh, cho biết đây là con gấu trúc bạch tạng đầu tiên được ghi nhận trong tự nhiên.
“Vẫn chưa rõ liệu gen của nó có được di truyền trong quần thể gấu trúc hay không. Chúng tôi vẫn cần những nghiên cứu tiếp theo”, ông nói.
Nhà chức trách khu bảo tồn đã thành lập một đội đặc biệt để theo dõi chú gấu trúc bạch tạng. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu thói quen của nó, đồng thời lắp đặt thêm camera theo dõi.
Chú gấu trúc đặc biệt này lần đầu tiên được phát hiện bởi các camera hồng ngoại tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọa Long vào tháng 4/2019 ở độ cao 2.000 m so với mực nước biển.
Những hình ảnh ban đầu cho thấy con gấu trúc có đầy đủ các đặc điểm của hội chứng bạch tạng như màu lông trắng như tuyết, móng vuốt trắng và cặp mắt màu đỏ.
Bạch tạng là một tình trạng di truyền hiếm gặp xảy ra ở cả người và động vật, làm gián đoạn khả năng sản xuất sắc tố melanin trên da. Điều này khiến sinh vật mắc phải dễ bị ảnh hưởng bởi ánh sáng mặt trời và thị lực kém.
Trung Quốc cũng phát hiện 10 con gấu trúc màu nâu quý hiếm trong tự nhiên từ năm 1985 đến năm 2021.
Gấu trúc có nguồn gốc từ Trung Quốc và chủ yếu sống ở vùng núi các tỉnh Tứ Xuyên, Thiểm Tây và Cam Túc. Báo cáo đa dạng sinh học năm 2021 của Trung Quốc cho biết có khoảng 1.860 con gấu trúc trong tự nhiên.
Những cuốn sách để hiểu về Trung Quốc
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách nên đọc để hiểu thêm về Trung Quốc - một trong những cường quốc châu Á và đối tác hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.