Yuan Zheng, chuyên gia về Mỹ của Viện khoa học xã hội Trung Quốc, nói với South China Morning Post rằng thông qua vụ thu giữ tàu lặn, Bắc Kinh có thể chuyển tới Washington thông điệp về sự bất bình trước các hoạt động do thám gần của Mỹ ở Biển Đông.
Nguyên nhân là “Trung Quốc lo ngại Mỹ sẽ có những hành động mạnh mẽ hơn trong giai đoạn chuyển giao quyền lực", theo Zhang Zhexin, giáo sư của Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải. Ông nhận định phải mất khoảng 10 ngày để thiết bị lặn được trả lại.
Ông Zhang cũng cho biết ngoài yêu cầu Mỹ giảm hoạt động do thám, Bắc Kinh có thể đề cập mở rộng bộ quy tắc về các cuộc đụng độ bất ngờ trên biển cho các thiết bị không người lái dưới mặt nước.
Bộ quy tắc cho các vụ va chạm ngoài ý muốn trên biển (CUES) giữa Mỹ và Trung Quốc được thiết kế để giảm thiểu các cuộc đối đầu bất ngờ trên biển, nhưng chưa có quy định nào liên quan tới các thiết bị không người lái dưới nước.
Thiết bị lặn không người lái UUV trên một tàu khảo sát Mỹ. Ảnh: militaryaerospace.com. |
Trong một diễn biến liên quan, Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 18/12 viết trên mạng xã hội Twitter: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không cần thiết bị lặn mà họ đã lấy cắp. Cứ để họ giữ nó”.
Trước đó, ông Trump cáo buộc Trung Quốc "đánh cắp" thiết bị nghiên cứu của hải quân Mỹ trên vùng biển quốc tế và gọi đây là hành động "chưa từng có tiền lệ".
Bắc Kinh thu giữ một tàu lặn không người lái (UVV) của Mỹ hôm 15/12 tại vùng biển quốc tế ngoài khơi Vịnh Subic của Philippines. Bộ Quốc phòng Mỹ gọi hành động này là phi pháp và yêu cầu Trung Quốc trả lại ngay lập tức thiết bị.
Phản ứng với tuyên bố trên, Bắc Kinh cáo buộc Mỹ đã "thổi phồng" vụ việc, nhưng cũng cho biết sẽ trả thiết bị lặn cho Washington "theo một cách thức phù hợp”.
Thiết bị lặn của hải quân Mỹ bị Trung Quốc thu giữ là UUV lớp Seaglider do hãng Kongsberg (Đức) sản xuất và thuộc tàu khảo sát USNS Bowditch. Thiết bị này có nhiệm vụ thu thập dữ liệu hải dương như nhiệt độ, nồng độ oxy, độ mặn nước biển.
Nhiều chuyên gia nhận định vụ thu giữ tàu lặn Mỹ là một tín hiệu thách thức mà Bắc Kinh muốn gửi tới ông Trump, người đã đưa ra các tuyên bố cứng rắn chống lại Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh tổng thống đắc cử Mỹ vừa có cuộc điện đàm phá vỡ các nguyên tắc ngoại giao với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn.