Reuters cho biết cuộc bỏ phiếu chiều nay có 2.964 thành viên Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc (Nhân Đại) tham gia. Chỉ có hai đại biểu phản đối và ba vị bỏ phiếu trắng. Với kết quả này, quốc hội Trung Quốc đã chính thức thông qua đề xuất xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước và phó chủ tịch nước.
Theo AFP, ông Tập Cận Bình là người đầu tiên bỏ phiếu vào thùng phiếu, sau đó lần lượt từng đại biểu tiến lên để bày tỏ quyết định.
“Đây là nguyện vọng cấp thiết của phần lớn người dân. Việc chỉnh sửa này được sự thống nhất cao của đại bộ phận dân chúng”, đại biểu Xu Xiuqin từ tỉnh Hắc Long Giang nói.
Ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc, khẳng định việc điều chỉnh (bãi bỏ hạn chế nhiệm kỳ chủ tịch nước) sẽ bảo đảm “hiến pháp được cải thiện và phát triển phù hợp với thời đại, đem lại một bảo đảm vững chắc về mặt hiến pháp đối với việc tuân thủ và phát triển chủ nghĩa xã hội, đậm đà bản sắc Trung Quốc, trong kỷ nguyên mới”.
Việc bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ giúp ông Tập Cận Bình có thêm thời gian ở vị trí lãnh đạo tối cao tại Trung Quốc. Ảnh: AFP. |
Theo AFP, những thay đổi này sẽ trao cho ông Tập Cận Bình dây cương điều khiển đất nước trọn đời. Như vậy, ông Tập sau khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch nước thứ hai (dự kiến mãn nhiệm vào năm 2022) sẽ có cơ hội tiếp tục duy trì chức vụ.
Theo South China Morning Post, ông Tập Cận Bình thực chất không phải thay đổi hiến pháp để tiếp tục nắm quyền lực, bởi chức danh chủ tịch nước là vị trí ít quan trọng nhất trong ba chức danh mà ông đang nắm giữ. Hai chức danh còn lại là tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc và chủ tịch Quân ủy Trung ương vốn không bị giới hạn nhiệm kỳ.
Ông Tập Cận Bình cho rằng các nội dung sửa đổi hiến pháp là cần thiết bởi những thách thức Trung Quốc đang đối mặt không những đòi hỏi nước này phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ mà còn cần một đảng lãnh đạo thống nhất và vững mạnh.