Trung Quốc - 'chìa khóa' cho khủng hoảng liên Triều
Khi những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu có dấu hiệu chững lại, giới ngoại giao khắp thế giới kêu gọi các bên giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại, với vai trò không thể bỏ qua của Trung Quốc.
Lần đầu tiên trong hơn nửa tháng căng thẳng vừa qua, “nhiệt độ” trên bán đảo Triều Tiên đã “ngừng tăng”, mở ra tiền đề quan trọng nhằm duy trì hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Ngay lập tức, phía Washington đã trì hoãn kế hoạch thử tên lửa liên lục địa trong khi Thụy Sỹ đề xuất làm trung gian hòa giải với Triều Tiên.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không tiếp tục tăng nhiệt. |
Bộ Ngoại giao Thụy Sỹ cho biết, họ đã liên lạc với chính quyền Kim Jong-un nhằm đưa ra giải pháp hòa giải. “Thụy Sỹ luôn nỗ lực cho việc hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên đồng thời sẵn lòng tìm kiếm một giải pháp hòa giải, cung cấp địa điểm để tiến hành đàm phán nếu đây là mong muốn của các bên”.
Tuy nhiên, để có được sự ổn định lâu dài, vai trò của Bắc Kinh là không thể thiếu. Bắc Kinh được xem là chìa khóa để mở cánh cửa hòa bình, ổn định mà Mỹ cần phải nắm lấy.
Đã từ lâu, Bắc Kinh luôn là chìa khóa giải quyết khủng hoảng liên Triều. Với vai trò trung gian hòa giải, Bắc Kinh hơn một lần đưa hai miền Nam - Bắc thoát khỏi mép vực chiến tranh. Tuy nhiên, Trung Quốc ít thể hiện vai trò trong căng thẳng lần này bởi những động thái đáp trả quá cứng rắn của Mỹ.
Liên tiếp điều những vũ khí “hàng khủng” tới Hàn Quốc tập trận, Mỹ muốn sử dụng sức mạnh quân sự vượt trội của mình nhằm răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên, sách lược này của Washington không đạt được mục đích như họ mong muốn mà ngược lại, nó khiến tình hình trên bán đảo Triều Tiên trở nên tồi tệ tới đỉnh điểm.
Khi cả Mỹ và Triều Tiên đã không để lại cho mình “đường rút trong danh dự”, vai trò trung gian của Bắc Kinh lại một lần nữa được nhắc đến. Với sự ra mặt của Trung Quốc, chắc chắn căng thẳng sẽ được hạ nhiệt mà không bên nào phải chịu “mất mặt” sau hàng loạt động thái hết sức cứng rắn.
Về phần mình, Trung Quốc sẽ chẳng mất gì nếu hòa bình, ổn định được duy trì ở Đông Bắc Á. Nhà lãnh đạo Trung Quốc, ông Tập Cận Bình ngày hôm qua khẳng định, không một quốc gia nào có thể “ném khu vực hay thậm chí toàn bộ thế giới vào vòng hỗn loạn chỉ vì những lợi ích ích kỷ”.
Binh sĩ Hàn Quốc - Triều Tiên giáp mặt ở làng đình chiến Panmunjom. |
Trên thực tế, sẽ không bên nào có lợi khi chiến tranh nổ ra trên bán đảo Triều Tiên. Dù luôn tuyên bố cứng rắn nhưng chắc chắn Hàn Quốc sẽ gánh những thiệt hại vô cùng nặng nề khi chiến sự nổ ra. Với 60% tiềm lực quân sự được Bình Nhưỡng đặt sát khu phi quân sự (DMZ) ngăn cách 2 miền, Thủ đô Seoul của Hàn Quốc sẽ nhanh chóng bị nghiền nát bởi pháo binh Triều Tiên. Các chuyên gia tin rằng, phần lớn các đơn vị pháo binh của Bình Nhưỡng được đặt xen lẫn với những ngọn núi nằm ở khu vực ngăn cách 2 miền Nam - Bắc.
Pháo binh Triều Tiên là mối đe dọa lớn nhất của Hàn Quốc. |
Với khả năng nã 500.000 đạn pháo vào Seoul chỉ trong giờ đầu nổ ra xung đột, đây là mối nguy lớn nhất mà Hàn Quốc phải đối mặt. Được ngụy trang tốt, những đơn vi pháo binh này sẽ là thách thức lớn với phi đội máy bay ném bom của Mỹ.
Khi Hàn Quốc bị tấn công, chắc chắn Mỹ sẽ phải hao người, tốn của để thực hiện các hành động đáp trả. Không chỉ là đồng minh thân cận, Hàn Quốc còn là đối tác kinh tế, quân sự lớn của Mỹ với hàng loạt căn cứ quân sự lớn trên xứ sở kim chi. Mỹ sẽ khó lòng khoanh tay đứng nhìn dù biết rõ khả năng sa lầy ở Đông Bắc Á.
Trịnh Duy
Theo Infonet