“iOS quá đóng kín, Android phân mảnh quá mức”
Hệ điều hành COS là một hệ điều hành mã nguồn mở và được xây dựng trên nhân Linux. Theo Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc, COS nghĩa là China Operating System (Hệ điều hành Trung Quốc).
COS là kết quả hợp tác giữa Viện Phần mềm thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc (ISCAS) và một công ty tên là Shanghai Liantong. COS được Trung Quốc hy vọng sẽ là “một cố gắng để ngăn chặn sự độc quyền của nước ngoài trong lĩnh vực hạ tầng phần mềm”.
Theo thông báo trên website, COS sẽ được thiết kế để chạy trên smartphone, PC, thiết bị gia dụng thông minh và các thiết bị set-top box gắn vào TV.
Tại buổi ra mắt hệ điều hành, đại diện ISCAS lên tiếng chê bôi cả 3 hệ điều hành di động hàng đầu hiện nay. Theo vị này, thì “iOS là một hệ sinh thái quá khép kín”, “Android là một nền tảng bị phân mảnh quá đáng”, Android và Windows Phone thì “được đánh giá quá thấp vì bảo mật kém”.
“Nhái các hệ điều hành khác”
Đa số người dùng Trung Quốc hoài nghi tương lai thành công của COS.
Thậm chí có cư dân mạng còn diễn dịch vui từ COS thành “Copy Other System” (tạm dịch: Nhái các hệ điều hành khác).
Một số khác thì cho rằng COS chỉ dành riêng cho quan chức Trung Quốc dùng để tránh việc bị Mỹ theo dõi, chứ người dùng nước này sẽ không quan tâm tới COS.
Điều này xảy ra trong bối cảnh bê bối nghe trộm của Cơ quan An ninh Mỹ NSA vẫn đang còn gây nghi ngờ cho cả các nước vốn coi Mỹ là đồng minh. Edward Snowden, một nhân viên đã trốn thoát khỏi NSA, đã tố cáo NSA ép buộc các công ty như Apple, Google, Facebook, Microsoft,… phải báo cáo dữ liệu về các khách hàng để phục vụ chương trình siêu nghe lén PRISM.
Tuy nhiên, các công ty công nghệ đều phản ứng gay gắt với cáo buộc trên và cho rằng họ có nhận được yêu cầu của NSA, nhưng không chấp hành và thông tin người dùng vẫn được đảm bảo an toàn và riêng tư.
Trái lại, chính phủ Trung Quốc hiện đang trông đợi các công ty có thể đưa hệ điều hành COS lên smartphone là Huawei, ZTE và Lenovo. Hai trong số đó từng bị các chính phủ Mỹ và châu Âu cáo buộc có hoạt động do thám bất hợp pháp, hoặc nghi ngờ là do “chân rết” của chính phủ Trung Quốc điều hành.
Đây không phải là nỗ lực xây dựng hệ điều hành di động đầu tiên của Trung Quốc. Vào năm 2006, chính phủ nước này cũng đã từng ra mắt Ophone (Open Mobile System). Dù hệ điều hành này khá im ắng và được cho rằng đã bị “khai tử”. Nhưng thực tế là OPhone vẫn đang hoạt động và có 600 ứng dụng.