Theo Bloomberg, Ant Group của tỷ phú Jack Ma đang đàm phán với các quan chức Trung Quốc về việc bơm vốn vào mảng tín dụng vi mô (micro-lending). Chỉ vài tuần trước, đợt phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) của tập đoàn bị hoãn đột ngột vì loạt quy định mới của Bắc Kinh.
Kế hoạch IPO của JD Digits Technology - thuộc sở hữu của tỷ phú Richard Liu - cũng rơi vào tình trạng lấp lửng. Lufax Holding phải thương lượng lại với các cổ đông sau khi định giá công ty bị sụt giảm trong đợt IPO gần đây.
Tất cả cho thấy ngành công nghiệp fintech (công nghệ tài chính) của Trung Quốc đang phải thay đổi nhanh chóng. Các gã khổng lồ fintech gấp rút huy động vốn, xem xét lại toàn bộ hoạt động kinh doanh và chuẩn bị cho nhiều biến động hơn khi giới chức trách Bắc Kinh bắt đầu để mắt đến mảng cho vay, mối quan hệ với những ngân hàng đối tác và quyền riêng tư dữ liệu của các công ty này.
Đợt IPO của Ant Group - tập đoàn được tỷ phú Jack Ma chống lưng - bị hoãn đột ngột khiến thị trường chứng khoán chao đảo. Ảnh: Reuters. |
Nạn nhân điển hình
"Sự ổn định tài chính là vấn đề chính trị quan trọng tại Trung Quốc", Bloomberg dẫn lời bà Sean Ding, chuyên gia phân tích tại hãng nghiên cứu Plenum, nhận định.
"Mục đích của tất cả động thái trên là gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, buộc các công ty fintech phải cẩn trọng hơn trong tương lai. Họ cần hiểu rằng những sản phẩm của mình có thể mang lại rủi ro tài chính", bà nhấn mạnh.
Lời kêu gọi thắt chặt kiểm soát đến từ chính những lãnh đạo hàng đầu. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các cơ quan quản lý tài chính "dám thể hiện vai trò giám sát của mình".
Ngành công nghiệp tín dụng trực tuyến trị giá 1.200 tỷ USD của Trung Quốc là lĩnh vực đầu tiên bị chấn động. Các công ty chật vật đáp ứng hàng loạt quy định mới, ngay cả khi chúng chưa được hoàn thiện.
Gã khổng lồ tín dụng trực tuyến Ant Group của ông Ma là nạn nhân điển hình, sau khi đợt IPO bị hoãn đột ngột hồi đầu tháng 11. Theo nguồn tin của Bloomberg, Ant Group đang tiến hành thảo luận về việc bổ sung vốn.
Gã khổng lồ tín dụng trực tuyến Ant Group là nạn nhân điển hình của việc thắt chặt kiểm soát. Ảnh: Reuters. |
Tập đoàn cũng phải giảm tốc quá trình chuyển các khoản vay hiện hành thành chứng khoán có đảm bảo để bán cho nhà đầu tư. Công ty hiện giữ khoảng 2% các khoản vay trên bảng cân đối kế toán. Phần còn lại được tài trợ bởi bên thứ ba hoặc dưới dạng chứng khoán.
"Khi Ant Group trở lại thị trường, tâm lý của nhà đầu tư sẽ không còn thoải mái như trước", nhà phân tích Kevin Kwek tại hãng Bernstein (Singapore) bình luận. Ông dự đoán định giá của "con cưng" tỷ phú Jack Ma có thể sụt giảm 28%.
Ông Francis Chan, nhà phân tích cao cấp của Bloomberg Intelligence, ước tính Ant Group có thể cần bơm tới 80 tỷ NDT vào hai đơn vị cho vay tiêu dùng để đáp ứng các quy định mới về tài trợ và đòn bẩy.
Ngành công nghiệp lao đao
Những trở ngại này cũng làm khó JD Digits, chi nhánh tài chính của gã khổng lồ thương mại điện tử JD.com. Theo nguồn tin của Bloomberg, JD Digits đang phải cân nhắc lại kế hoạch niêm yết và thảo luận với các cổ đông.
Nguồn tin cho biết mục tiêu IPO vào nửa đầu năm 2021 sẽ khó thực hiện. JD Digits cho biết đang làm việc với các nhà quản lý và từ chối bình luận thêm.
Trước khi niêm yết, Lufax cũng phải đưa ra cảnh báo với các nhà đầu tư. Theo đó, họ sẽ tăng tỷ lệ rủi ro của khoản vay cho các đối tác từ 2% lên 20% theo quy định. Lufax là đơn vị fintech của Ping An Insurance Group Co., công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc tính theo giá trị vốn hóa thị trường.
Trong đợt IPO, Lufax bị định giá thấp hơn so với vòng gọi vốn trước đó. Công ty cho phép cổ đông chuyển cổ phiếu thành trái phiếu chuyển đổi để bù các khoản lỗ tiềm năng. Điều này khiến cổ phiếu biến động dữ dội vì một số bộ phận bán khống.
Các quan chức Trung Quốc cũng lên tiếng về việc thắt chặt kiểm soát đối với ngành tài chính kỹ thuật số đang bùng nổ. Chúng cho thấy sự kìm hãm sẽ vẫn còn tiếp diễn.
Lufax là đơn vị fintech của công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc Ping An Insurance Group Co. Ảnh: Getty Images. |
Ông Liang Tao, Phó Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, khẳng định các công ty fintech không thể thay đổi bản chất của ngành công nghiệp tài chính. Theo ông, họ vẫn phải chịu sự giám sát và quản lý rủi ro giống như ngân hàng. Ông Liang cũng cho biết cơ quan quản lý sẽ đẩy mạnh điều tra để đảm bảo cạnh tranh công bằng và trật tự.
Tháng này, Ping An và một số ngân hàng đã bị cơ quan giám sát khiển trách vì bán sản phẩm bảo hiểm kèm các khoản tín dụng vi mô. Công ty bảo lãnh tài chính Ping An Puhui, nằm trong nền tảng cho vay Lufax, cũng hứng chịu chỉ trích vì tính phí dịch vụ cao. Đến tháng 9, Lufax phải giảm đáng kể chi phí của khách hàng.
"Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh đang cảnh giác với ngành công nghiệp mới fintech và cần thời gian để quy định được thích ứng", ông Ken Peng, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư châu Á tại chi nhánh tư nhân của Citigroup, khẳng định.