Sau khi phát động chiến dịch loại bỏ những bảng hiệu dịch sang tiếng Anh sai, hay còn gọi là Chinglish (ghép "China" và "English", tức "tiếng Anh của người Trung Quốc"), nước này đang hướng đến những công ty đăng ký tên dài dòng, kỳ quặc.
Legal Daily dẫn ra tên của một số công ty hiện hữu mà sẽ không được phép đặt theo quy định mới, bao gồm "Shanghai Wife Biggest Electronic Commerce" (tạm dịch: Thương mại Điện tử Lớn nhất Vợ Thượng Hải) và "Hangzhou No Trouble Looking for Trouble Internet Technology" (Công nghệ Internet Không Rắc rối Tìm kiếm Rắc rối Hàng Châu).
Một cửa hàng quần áo ở Thâm Quyến có tên tiếng Anh là ISIS, gợi liên tưởng đến tổ chức khủng bố quốc tế Nhà nước Hồi giáo. Ảnh: Shenzhen Daily. |
Tờ báo nhà nước cũng lấy ví dụ là một công ty kinh doanh bao cao su có cái tên dài loằng ngoằng "There is a Group of Young People with Dreams, Who Believe They Can Create Wonders of Life Under Uncle Niu's Leadership Internet Technology" (Công nghệ Internet Có một nhóm người trẻ nhiều ước mơ, những người tin tưởng rằng họ có thể tạo ra những kỳ tích tuổi trẻ dưới sự lãnh đạo của chú Niu).
Ủy ban Công nghiệp và Thương mại Nhà nước Trung Quốc đưa ra quy định mới vào tháng này. Ngoài việc cấm đặt tên dài dòng, khó hiểu, quy định mới cũng cấm các công ty đặt tên mang tính chất xúc phạm hoặc phân biệt chủng tộc hay có ý nghĩa gợi liên tưởng đến vấn đề chính trị, tôn giáo.
Ngoài vấn đề tên gọi, nỗ lực đưa mọi thứ vào tiêu chuẩn tại Trung Quốc còn khiến chính phủ thông qua lệnh cấm xây dựng các "kiến trúc kỳ lạ" dù ngành xây dựng nước này đang nở rộ. Nổi bật trong những công trình như vậy là trụ sở Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), thường được gọi là "cái quần lớn".