Theo AP, các quan chức cho rằng vẫn còn quá sớm để cố gắng thực hiện những thay đổi vĩnh viễn đối với ADN và áp dụng cho các thế hệ tương lai.
Thứ trưởng Khoa học - Công nghệ Trung Quốc Từ Nam Bình cho biết bộ này cực lực phản đối cuộc thử nghiệm diễn ra hồi đầu tháng. Ông Từ gọi hành động của nhóm là bất hợp pháp và không thể chấp nhận, vị quan chức này cũng cho biết một cuộc điều tra đang được chính phủ tiến hành.
Trong tuần này, một nhóm các nhà khoa học hàng đầu đã tập trung ở Hong Kong để tham dự một hội nghị quốc tế về chỉnh sửa gen, đề cập đến khả năng viết lại mã ADN để chống lại hoặc ngăn ngừa bệnh tật.
Mặc dù điều này hứa hẹn sẽ giúp đỡ những người sinh ra với tình trạng hiểm nghèo và các nghiên cứu cũng đang được tiến hành, các nhà khoa học đã đưa ra một tuyên bố chung, trong đó cho rằng việc thử nghiệm trên trứng, tinh trùng hoặc phôi thai là vô trách nhiệm.
Trong một đoạn video được công bố ngày 26/11, nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê tuyên bố một cặp song sinh đã ra đời vài tuần trước đó và có ADN được chỉnh sửa để kháng nhiễm HIV. Cộng đồng khoa học lên án vụ thử nghiệm, còn chính phủ và các trường đại học tỏ ra hoài nghi về kết quả này và cho biết họ đang điều tra vụ việc.
Nhà nghiên cứu Hạ Kiến Khuê, người tuyên bố đã thử nghiệm thành công việc biến đổi gen người và tạo ra một cặp song sinh nữ có ADN được chỉnh sửa để kháng nhiễm HIV. Ảnh: AP. |
Một số nhà khoa học cho rằng sự kiện này cho thấy giới nghiên cứu đã thất bại trong việc tự giám sát những hoạt động của mình, và yêu cầu chính phủ các nước đưa ra những quy định nghiêm ngặt hơn trong vấn đề này.
Chỉnh sửa ADN người là vấn đề cực kỳ gây tranh cãi trên thế giới. Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên giới khoa học Trung Quốc cho thử nghiệm công nghệ này trên phôi người.
Vào tháng 9/2017, các nhà nghiên cứu tại Đại học Tôn Trung Sơn đã sử dụng một phiên bản của công nghệ điều chỉnh gen, tìm cách chữa một đột biến thường xảy ra trong phôi người dẫn đến bệnh ở trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, cộng đồng học giả Trung Quốc cũng từng vấp phải nhiều vụ bê bối về gian lận kết quả nghiên cứu. Năm 2017, hơn 100 bài viết của các nhà nghiên cứu ở Trung Quốc đã bị rút khỏi một tạp chí khoa học danh tiếng vì phát hiện vi phạm trong quá trình phản biện khoa học.