Theo SCMP, Trung Quốc trước đó đồn trú khoảng 1.000 binh sĩ tại khu vực cao nguyên Doklam. Tuy nhiên, ảnh vệ tinh hôm 3/12 cho thấy sự hiện diện của ít nhất 9 tổ hợp nhà 3 tầng mới xây dựng và khoảng 300 phương tiện cỡ lớn được cho là xe quân sự. Điều này làm dấy lên nghi ngờ có khoảng một sư đoàn đã được triển khai tại đây.
Ngoài động thái bổ sung binh lực, Trung Quốc cũng tiến hành nâng cấp nhiều cơ sở hạ tầng quân sự tại cao nguyên Doklam.
Nhiều tòa nhà được Trung Quốc xây mới tại khu vực cao nguyên Doklam. Ảnh: SCMP. |
Hình ảnh vệ tinh thu thập được cho thấy các vị trí đặt pháo cối, súng máy và đại bác của Trung Quốc được phát hiện tại địa điểm chỉ cách khu vực xảy ra xung đột giữa binh sĩ Trung - Ấn hồi mùa hè vừa qua khoảng 5-10 km.
Trung Quốc cũng triển khai binh sĩ ra xa thêm 50 km khỏi thung lũng Chambi, nơi biên giới Trung - Ấn - Bhutan giáp ranh và hiện vẫn còn có tranh chấp giữa các nước.
Bản đồ khu vực xảy ra xung đột giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ. Ảnh: SCMP. |
Các chuyên gia nhận định việc bổ sung lực lượng và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho phép Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ hơn khu vực biên giới tranh chấp và có lợi thế trong bất cứ xung đột nào trong tương lai.
"Ấn Độ vốn có lợi thế hơn trong việc triển khai quân đội tại khu vực này. Việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự có thể coi là động thái nhằm cân bằng năng lực quân sự với Ấn Độ", Rohan Mukherjee, chuyên gia châu Á tại Đại học Yale-NUS Singapore, cho biết.
Quân đội Ấn Độ hiện duy trì một số đơn vị tại tỉnh Sikkim, gần khu vực từng xảy ra va chạm với binh sĩ Trung Quốc. Các chuyên gia nhận định Delhi có thể nhanh chóng điều động lực lượng tới cao nguyên Doklam nếu xung đột thực sự xảy ra, lợi thế mà Bắc Kinh không có do trở ngại về địa hình.