Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc bị tố mua ảnh hưởng vì tỷ phú Czech 'nịnh' quá đà

Tỷ phú Czech Petr Kellner hứng nhiều chỉ trích khi một trong những doanh nghiệp của ông trả tiền để quảng cáo hình ảnh Trung Quốc tại quốc gia Trung Âu.

Home Credit, hãng cho vay tín dụng có cổ đông chính là tập đoàn đầu tư PPF của ông Kellner đã trả khoản tiền tương đương 2.000 giờ làm việc của người lao động cho hãng truyền thông C&B để đăng tải các bài viết nhằm tạo ấn tượng về Trung Quốc.

Home Credit bắt đầu bị điều tra sau khi PPF chi hơn 2 tỷ USD để mua lại CME, tập đoàn truyền thông đang sở hữu Nova, đài truyền hình thương mại lớn nhất Czech.

Vụ việc được cho là đánh dấu động thái mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm gia tăng trở lại sức ảnh hưởng tại quốc gia Trung Âu vốn có quan hệ ngoại giao 70 năm với Trung Quốc và tham gia tích cực các dự án Vành đai và Con đường.

Ty phu Czech Petr Kellner than Trung Quoc anh 1

Thị trưởng Prague, ông Zdenek Hrib, người từ chối ủng hộ chính sách “một Trung Quốc” của Bắc Kinh. Ảnh: Alamy.

Tỷ phú Czech đổ tiền mua truyền thông để "đánh bóng" cho Trung Quốc

Theo Guardian, Home Credit cũng đầu tư vào một viện nghiên cứu mới thành lập mang tên Sinoskop - dẫn đầu bởi người phiên dịch cho vị tổng thống Czech có mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc, Milos Zeman - nhằm đối chọi với Sinopsis, một viện nghiên cứu lâu đời tại Prague có quan điểm nghiêm khắc về Bắc Kinh, trực thuộc Đại học Charles.

Khách hàng Trung Quốc đem lại lợi nhuận không nhỏ cho Home Credit. Năm 2014, với sự ủng hộ của nhiều chính trị gia cấp cao của Czech, hãng này chính thức được cấp phép cung cấp tín dụng phi ngân hàng cho khách hàng Trung Quốc. Tới nay, công ty này đã cho vay hơn 13 tỷ USD tại thị trường 1 tỷ dân này.

Ty phu Czech Petr Kellner than Trung Quoc anh 2

Tổng thống Czech Milos Zeman gặp Chủ tịch Trung Quốc Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu năm 2016. Ảnh: AFP

Cổ đông chính của Home Credit - tập đoàn PPF Group của Kellner, với tài sản ước tính hơn 40 tỷ USD - cũng có mối quan hệ hợp tác thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, theo Guardian. Hãng này đã phủ nhận chi tiền cho công ty truyền thông nói trên để đánh bóng hình ảnh Trung Quốc.

“Những cuộc đối thoại về Trung Quốc ở Czech đã trở nên một chiều, tiêu cực và phiến diện”, Guardian trích lời Milan Tomanek, đại điện hãng Home Credit.

Theo người này, công ty tín dụng nổi tiếng chỉ đơn thuần muốn đem lại “những cách nhìn khác nhau” về Trung Quốc, và cho rằng những ý kiến phản đối thiếu căn cứ đối với quốc gia này đang “làm tổn hại hình ảnh và danh tiếng của Czech”.

Trong khi đó, một giảng viên tại khoa Trung Quốc học thuộc Đại học Charles và giám đốc viện nghiên cứu Sinopsis cho rằng Home Credit đã không thuê công ty truyền thông để quảng bá doanh nghiệp mà để tuyên truyền cho chính phủ Trung Quốc.

“Mục tiêu đầu tiên là để bình thường hóa hình ảnh Trung Quốc và thể hiện rằng đây không phải một nước độc đoán, và như nhiều nước khác, đang sẵn sàng cải cách. Tôi không cho rằng đó là bức tranh chính xác”.

Sinopsis cho biết viện nghiên cứu này từng nhận những lời đe dọa pháp lý yêu cầu “chấm dứt và hủy bỏ” từ Home Credit đối với những bài đăng chỉ trích Trung Quốc trên website chính thức.

Trước đó, Home Credit từng chấm dứt một hợp đồng trị giá 65.000 USD với Đại học Charles - tổ chức sáng lập Sinopsis - sau khi nhiều học giả phản đối và cho rằng khoản tài trợ này nhằm dập dắt những tiếng nói chống Trung Quốc.

“PPF nói rằng họ sẽ không bao giờ vướng vào chính trị”, Petr Kutilek, nhà phân tích chính trị và nhà hoạt động nhân quyền người Czech nói. “Nhưng từ vụ Home Credit, bạn có thể thấy rõ ràng họ đang can thiệp vào chính trị”.


Ty phu Czech Petr Kellner than Trung Quoc anh 3

Tòa nhà trụ sở Home Credit tại Prague, Czech. Ảnh: Reuters.

Cái gai trong mắt người Czech

Czech được cho là cởi mở đón nhận Trung Quốc hơn hầu hết quốc gia tại châu Âu khác. Hai nước từng kí kết Biên bản ghi nhớ chung về chính sách “Vành đai và Con đường” năm 2015, theo Tân Hoa Xã. Tổng thống Czech Milos Zeman từng hi vọng Czech trở thành cửa ngõ vận tải và tài chính của Trung Quốc tại châu Âu.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Czech và Trung Quốc bắt đầu trở nên gay gắt vào năm 2019 khi chính phủ của Thủ tướng Andrej Babiš cấm sử dụng điện thoại Huawei ở các tòa nhà bộ trưởng.

Hồi tháng 10/2019, ông Zdenek Hrik, thị trưởng Prague đã cắt đứt mối quan hệ “chị em” với Bắc Kinh sau khi chính phủ Trung Quốc từ chối loại bỏ vấn đề liên quan tới chính sách “một Trung Quốc” trong thỏa thuận giữa hai thành phố.

Trung Quốc đang dần trở thành cái gai tại Czech. Tờ Nikkei Asian Review trích một khảo sát của Pew Research nói rằng chỉ 27% người Czech được hỏi có cái nhìn thân thiện về Trung Quốc. Một báo cáo bởi tổ chức phi chính phủ AIA cho thấy chỉ 6% các nhà báo làm việc cho các tờ báo thuộc chính phủ có quan điểm tích cực khi được hỏi về Trung Quốc.

Lý do quan trọng cho thái độ phản đối Trung Quốc đang gia tăng tại Czech là những lo ngại về ảnh hưởng của chính phủ Bắc Kinh lên chính trị và an ninh tại quốc gia này.

Một báo cáo thường niên của tổ chức tình báo BIS cho rằng Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn tới an ninh quốc gia của Czech hơn cả Nga. Theo đó, việc gia tăng hiện diện của các sĩ quan tình báo Trung Quốc là một vấn đề an ninh quan trọng và rõ ràng thể hiện nỗ lực “tìm kiếm và liên lạc với những tổ chức và cá nhân Czech có tiềm năng hợp tác với chính phủ Trung Quốc”.

Báo cáo này cũng cho rằng chính phủ Trung Quốc đang gia tăng tài trợ các chương trình hội thảo, tập huấn và tham quan cho các cá nhân và tổ chức Czech cũng như tài trợ chi phí đi lại và ăn ở tại Trung Quốc, coi đây là cách có được sự ủng hộ từ họ và “tận dụng việc những vị khách ở lại Trung Quốc hoặc nước thứ ba để tiếp cận nhằm tìm kiếm sự hợp tác”.

“Chính phủ Trung Quốc đang rất tích cực kết nối với không chỉ những chính trị gia Czech thuộc nhiều đảng phái khác nhau, mà còn cả giới học thuật và kinh doanh”, tờ Nikkei trích lời Filip Jirous, một chuyên gia phân tích về quan hệ Czech - Trung Quốc tại viện nghiên cứu Sinopsis.

Indonesia tăng viện 4 tàu chiến vì đối đầu trên biển với Trung Quốc

Indonesia điều động bổ sung 4 tàu chiến tới vùng biển thuộc quần đảo Natuna để đối phó với 3 tàu hải cảnh và hàng chục tàu đánh cá Trung Quốc.

Người tạo em bé biến đổi gen ở Trung Quốc nhận án 3 năm tù

Tòa án Trung Quốc kết án ba nhà khoa học tham gia tạo ra những em bé biến đổi gen năm 2018 đã hoạt động y học bất hợp pháp.

An Nguyễn

Bạn có thể quan tâm