Đợt siết giới hạn này sẽ kéo dài từ ngày 16/4 tới hết ngày 19/4, theo Reuters.
Trong thời gian ấy, người dân được khuyến cáo không nên ra khỏi khu dân cư. Các công ty được khuyến khích để nhân viên làm từ xa hoặc cho họ sinh hoạt ngay tại nơi làm việc. Nhiều cơ sở văn hóa, giải trí trong thành phố cũng sẽ tạm dừng hoạt động, chính quyền Tây An tuyên bố.
Nhà chức trách Tây An phát túi rau miễn phí cho hàng trăm khu chung cư trong thành phố trong đợt phong tỏa đầu năm. Ảnh: IC. |
Trước đó, 13 triệu người dân Tây An từng phải chịu cảnh phong tỏa chặt sau khi thành phố bùng dịch vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Nhà chức trách Tây An đã hứng chịu chỉ trích vì cách xử lý đợt phong tỏa hồi tháng 1, bao gồm vấn đề về thiếu hụt thực phẩm và điều trị chậm trễ cho một số người không mắc Covid-19. Lệnh phong tỏa kéo dài kết thúc vào ngày 24/1.
Chiến lược chống dịch “Zero Covid linh hoạt” của Trung Quốc đang gặp phải thách thức ngày càng lớn khi đối mặt với biến chủng Omicron lây lan nhanh. Thượng Hải, trung tâm tài chính thương mại lớn của Trung Quốc, đang trải qua đợt bùng dịch lớn nhất từ đầu đại dịch.
Hôm 15/4, Thượng Hải ghi nhận 23.000 ca mắc mới, giảm nhẹ so với con số 27.000 ca của một ngày trước đó. Tuy nhiên, số ca nhiễm có triệu chứng ngày 15/4 đã tăng lên mức kỷ lục 3.200 ca, so với gần 2.600 ca của ngày hôm trước.
Nỗ lực chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đang làm gián đoạn hoạt động kinh tế, gây ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng toàn cầu đối với một số sản phẩm từ xe điện tới iPhone.
Ngân hàng Nomura của Nhật Bản gần đây ước tính 373 triệu người ở 45 thành phố Trung Quốc, xấp xỉ 1/3 dân số, đang phải sống trong cảnh phong tỏa dưới hình thức này hoặc hình thức khác. Số người trên đại diện cho khoảng 7.300 tỷ USD nếu tính theo GDP hàng năm của Trung Quốc.