Cụ thể, trong tháng 1, số vụ việc mà cảnh sát vào cuộc là 59 và số vụ bắt giữ là 26. Con số trong tháng 2 thậm chí còn thấp hơn. Dù vậy, đến tháng 3, hơn 600 vụ việc đã được cảnh sát điều tra và 150 thông báo bắt giữ được đăng tải, Reuters cho biết.
Đây có thể chỉ là một phần con số vụ bắt giữ xảy ra trong thực tế, vì nhiều vụ việc không được thông báo trên mạng xã hội.
Một người dân chờ nhận thực phẩm trong một khu phong tỏa tại Thượng Hải, hôm 13/4. Ảnh: Reuters. |
Các sở cảnh sát cấp huyện và thành phố Trung Quốc đăng thông tin về việc xử phạt những người vi phạm quy định phòng dịch tới 80 lần trong tháng 3, so với 7 lần hồi tháng 1 và 10 lần hồi tháng 2.
Hầu hết trường hợp vi phạm là công dân muốn “lách luật” như làm giả kết quả xét nghiệm hay trốn khỏi khu vực phong tỏa.
Trong khi đó, một số người bị bắt vì công khai chống lại các quy tắc phòng dịch. Hôm 27/3, một giảng viên đại học tên Sun Jian ở thành phố Yên Đài, tỉnh Sơn Đông bị bắt giữ khi giơ biểu ngữ đòi dỡ lệnh phong tỏa với ngôi trường nơi ông công tác. Năm ngày sau, ông chính thức bị trường sa thải.
Ngoài ra, cảnh sát Trung Quốc còn thông báo về những vụ bắt giữ nhằm vào những người “bày tỏ sự bất mãn” và “sử dụng ngôn từ không phù hợp” liên quan đến đại dịch.
Theo Reuters, đa số công chúng Trung Quốc ủng hộ chiến lược “Zero Covid-19” - chính sách giúp Trung Quốc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trong hơn 2 năm qua.
Dù vậy, trong làn sóng gây ra bởi chủng Omicron hiện nay, các biện pháp phong tỏa mạnh gây ra tình trạng thiếu lương thực và thiệt hại kinh tế, khiến sự ủng hộ này suy giảm.