Theo AFP, đêm 24/7, cảnh sát thành phố Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, thông báo đã bắt 15 người tình nghi phạm tội hình sự liên quan đến vụ việc Công ty Khoa học Kỹ thuật Trường Sinh Trường Xuân (gọi tắt là Trường Sinh) sản xuất vaccine kém chất lượng và làm giả giấy tờ.
Trong số những người bị bắt có chủ tịch công ty Trường Sinh. Giới chức không tiết lộ danh tính của người này. Tuy nhiên, trước đó, truyền thông đã xác định người này tên là Gao Junfang.
Giới chức kiểm tra vaccine phòng bệnh dại tại Trung tâm Phòng dịch và Kiểm dịch. Ảnh: AFP. |
Tuần trước, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Trung Quốc cho biết Công ty Trường Sinh đã bán khoảng 252.600 liều vaccine DPT không đạt chuẩn cho Trung tâm Kiểm dịch và Phòng dịch tỉnh Sơn Đông. Vụ việc diễn ra 5 ngày sau khi chính công ty này bị phát hiện làm giả giấy tờ sản xuất 113.000 vaccine phòng bệnh dại.
Vụ bê bối gây xôn xao dư luận Trung Quốc, khiến Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 23/7 phải lên tiếng dù đang công du châu Phi.
Theo Tân Hoa xã, ông Tập nói những vi phạm tại Trường Sinh "mang bản chất đê hèn" và "khiến người ta kinh hãi", chỉ đạo lập tức tìm ra "chân tướng sự thật".
Nhà chức trách đang tiến hành điều tra và khẳng định sẽ có những biện pháp xử phạt nặng. Tuy nhiên, thông tin về vụ bê bối vaccine đã làm lung lay niềm tin của người tiêu dùng vào dược phẩm sản xuất trong nước. Cha mẹ tại đại lục giờ tìm đến các phòng khám tại Hong Kong để tiêm phòng cho con.
Emily Liu, từ Thâm Quyến, cho hay điều đầu tiên chị làm sau khi vụ bê bối xảy ra là đặt lịch hẹn tại phòng khám ở Hong Kong để cho con tiêm phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà và bại liệt.
“Ở ngay dưới tầng tòa nhà tôi ở là phòng khám cộng đồng, nhưng tôi thà đi xa để tiêm phòng cho con còn hơn. Bác sĩ tại Hong Kong mở hộp thuốc ngay trước mặt tôi và giải thích về các tác dụng phụ. Tôi không hề lo lắng gì hết. Tôi nghĩ số tiền tôi dùng để đi xa như vậy là xứng đáng", chị chia sẻ.
Y tá chuẩn bị vaccine tại phòng khám Hong Kong ngày 24/7. Ảnh: AFP. |
Trung tâm chăm sóc sức khỏe Waikong tại Hong Kong cho biết điện thoại đặt lịch hẹn tiêm phòng tại đây không ngừng đổ chuông. Từ ngày 22/7 đến sáng 23/7, cơ sở này tiếp nhận hơn 30.000 cuộc gọi từ cha mẹ ở đại lục và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.
Jacky Ho, giám đốc một phòng khám tư khác tại Hong Kong, cho hay nhu cầu đang “bùng nổ”. Các bậc cha mẹ tại Trung Quốc đại lục tìm đến phòng khám của ông để tiêm cho con vaccine nhập khẩu từ Anh, Pháp, Mỹ thay vì các loại vaccine Trung Quốc sản xuất.
“Chúng tôi lo lắng về chất lượng của vaccine nội”, Yin, đến từ Thâm Quyến, nói. Chị cho biết đã dành 870 USD để cho con trai 2 tuổi tiêm phòng phế khuẩn cầu, viêm não Nhật Bản và viêm màng não tại Hong Kong.
Trước số lượng gia đình tới Hong Kong để tiêm phòng cho trẻ tăng cao, Bộ Y tế Hong Kong cho biết nguồn cung vaccine đang được giám sát chặt chẽ và hiện vẫn ổn định.