Cùng một chủ đề nhưng 2 clip dẫn tới 2 kết quả hoàn toàn trái ngược.
Clip đầu tiên đặt ra tình huống, một đội tàu “liên hợp” chở “các nhà hoạt động” của Trung Quốc đại lục và Đài Loan tiến về phía đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku.
Trước động thái này, phía Nhật Bản đã điều một lực lượng ra ngăn chặn, kết quả là một tàu Trung Quốc bị chìm. Ngay lập tức, Trung Quốc huy động một lực lượng không quân, hải quân hùng hậu tiến về phía đảo tranh chấp. Lực lượng này gồm tiêm kích J-7, J-10, J-11, J-20 xuất kích, hiệp đồng với một cụm tàu sân bay tiến công gồm tàu sân bay Liêu Ninh và nhiều tàu khu trục, tàu hộ tống và đổ bộ… Cùng với đó, tàu ngầm tiến công âm thầm xuất trận và tiêm kích xuất kích từ tàu sân bay Liêu Ninh.
Đây là những vũ khí mới nhất, phục vụ cho nhiệm vụ Không – Hải chiến của Trung Quốc. Phối hợp với Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng cử các tiêm kích Mirage-2000 tham chiến.
Để đối phó, phía Nhật Bản cử tiêm kích F-2 và F-15J nghênh địch. Trong phút đầu của cuộc giao chiến, các tiêm kích F-15J của Nhật Bản đã hạ gục tiêm kích của vùng lãnh thổ Đài Loan. Các tiêm kích khác của Trung Quốc thuộc loại cổ lỗ như J-7 (bản sao của MiG-21) bị hệ thống phòng không trên hạm của Nhật Bản bắn hạ.
Nhưng rất nhanh chóng, các tên lửa phòng không phóng đi từ tàu ngầm Trung Quốc đã bắn hạ các tiêm kích F-15J, khiến phi công phải nhảy dù thoát hiểm. Tiếp tục lợi thế này, các tiêm kích hiện đại J-20 của Trung Quốc hạ gục F-35 của Nhật Bản và làm chủ không phận. Đặc biệt, trong trận giao chiến này, J-20 đã hạ gục các máy bay hiện đại của Nhật Bản bẳng pháo laser, một khái niệm vũ khí mới còn đang được thử nghiệm quy mô nhỏ. Ngay lúc đó, các máy bay chiến đấu của cả Trung Quốc đại lục và Đài Loan “trút lửa” vào các căn cứ quân sự Nhật Bản trên đảo.
Sau khi làm chủ chiếm ưu thế trên không, lực lượng đổ bộ Trung Quốc đồng loạt chiếm đảo. Cuối cùng, một tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân được phóng đi từ một bệ phóng cơ động tấn công Thủ đô của Nhật Bản.
Còn ở clip thứ 2, theo một số nguồn tin là do phía Nhật Bản thực hiện, khi phát hiện một cuộc tấn công huy động lực lượng không quân và hải quân quy mô lớn với nòng cốt là biên đội tàu sân bay tấn công gồm 2 tàu sân bay có ngoại hình giống với tàu sân bay Liêu Ninh. Nhật Bản ngay lập tức cử lực lượng không quân và hải quân ra để đối phó.
Đầu tiên, máy bay cảnh báo sớm E-767 dẫn đường cho các tiêm kích F-15J của Nhật Bản xuất kích. Sau phút giao chiến đầu tiên với thiệt hại là một chiếc F-15J, phía Nhật Bản đã nhanh chóng lấy lại tinh thần và cử F-3A, biến thể hiện đại hóa của tiêm kích F-15J, có dáng dấp gần giống với F-22 của Mỹ nhằm lật ngược tình thế. Biên đội 4 chiếc F-3A với sự vượt trội về công nghệ đã nhanh chóng vô hiệu hóa lực lượng đông gấp bội của Trung Quốc gồm các tiêm kích J-11, J-15…
Không dừng lại ở đây, biên đội F-3E (một biến thể khác có thiết kế hiện đại, theo tiêu chuẩn tiêm kích thế hệ 5) tìm diệt mục tiêu “cỡ bự” là tàu sân bay Liêu Ninh. Các tàu hộ tống của Trung Quốc đã phát hiện ra sự xuất hiện của biên đội F-3E và phóng tên lửa phòng không để đánh chặn.
Tuy nhiên, F-3E phóng mồi bẫy nhiệt đánh lừa các tên lửa này. Sau khi thoát khỏi sự truy kích của các tên lửa phòng không, một chiếc F-3E phóng tên lửa chống hạm ASM-3 có tầm bắn 150 km đánh chìm một tàu khu trục phòng không của Trung Quốc.
Các tiêm kích khác của biên đội F-3E liên tiếp phóng khoảng 4-5 tên lửa loại này về phía tàu sân bay Trung Quốc. Mặc dù các tàu hộ tống của cụm tàu sân bay Trung Quốc liên tiếp phóng tên lửa phòng không để đánh chặn nhưng đều bị hệ thống tác chiến điện tử của Nhật Bản vô hiệu hóa. Cuối cùng, 2 tàu sân bay của Trung Quốc trúng tên lửa chống hạm, cháy ngùn ngụt trên mặt biển.