Chúng ta có thể hiểu được chừng nào về chính bản thân mình? Đó là một câu hỏi mà Trúng độc yêu mở ra để chính nhân vật trong đó cùng người đọc tiếp tục đi tìm câu trả lời. Thông qua cuộc trò chuyện bất ngờ giữa Iguchi – nhân viên mới của một phòng biên tập – và Minaduki, một phụ nữ mang vẻ ngoài khô cứng, lãnh đạm đang trở thành đề tài bàn tán cho những người xung quanh, Trúng độc yêu hé lộ những góc khuất sâu thẳm nhất trong tâm hồn một người phụ nữ yêu.
Minaduki, một phụ nữ ngoài ba mươi đã ly hôn chồng, những tưởng sẽ thiết lập lại một cuộc sống an phận yên ổn với việc làm bán thời gian tại cửa hàng tạp hóa và công việc dịch sách. Ngày nọ, một nhà văn - diễn viên cũng là thần tượng thuở thiếu nữ bỗng đâu xuất hiện trước mặt cô. Từ đây, mối tình với người đàn ông trung niên nảy nở.
Minaduki chấp nhận để mình trở thành một trong số rất nhiều nhân tình trải dài từ độ tuổi đôi mươi đến tuổi trung niên, cùng với người vợ chính thức của Itsuzi Jiro. Đó là một mối quan hệ tưởng chừng như hỗn loạn; nhưng bằng cách nào đó, người đàn ông trung niên có khả năng dành lòng yêu thành thật cho hết thảy phụ nữ đã giữ được những người phụ nữ của ông ở bên mình và tạo ra mối kết nối có vẻ hài hòa giữa họ.
Song, kỳ thực, Itsuzi chỉ là một người đàn ông ích kỷ, yêu bản thân mình trên hết thảy. Bản thân những người phụ nữ của ông bên ngoài tỏ ra chấp nhận sự tổn tại bên cạnh nhau, nhưng bên trong luôn thấu rõ tâm tư của nhau, cũng không ngần ngại loại bỏ nhau, đồng thời cũng hiểu rõ mình cần tìm một con đường riêng cho chính mình.
Tác phẩm Trúng độc yêu của Fumio Yamamoto. |
Trong một mối quan hệ vừa say mê và bất định như thế, Minaduki không nguôi nhớ về người chồng cũ và mãi luẩn quẩn trong một câu hỏi mà cô luôn muốn tìm kiếm câu trả lời: điều gì đã khiến cuộc hôn nhân của mình đổ bể? Bắt đầu từ đâu và khi nào, niềm hạnh phúc ngập tràn trong những năm đầu hôn nhân đã dần mất đi và thay vào đó là sự lãnh đạm trong mối quan hệ vợ chồng?
Qua cách kể chuyện mang kết cấu tương đối truyền thống, chuyện lồng trong chuyện, chuyển nhân vật từ ngôi thứ ba sang ngôi thứ nhất, vừa là nhân vật chính vừa là người kể chuyện, Fumio Yamamoto đã để Minaduki tự dõi lại đời mình, tự phân tích và bóc tách con người, suy nghĩ, tâm hồn mình. Đó cũng là cách cô tự tìm câu trả lời cho câu hỏi về mối quan hệ với người chồng cũ vẫn ám ảnh cô.
Đi hết một câu chuyện dài, người đọc mới có thể vỡ lẽ về một Minaduki gần như trái với vẻ ngoài ngoan ngoãn, hiền lành, cam chịu. Đó là một Minaduki đang chờ ngày thi hành án vì phạm tội quấy rối nhân tình của chồng cũ. Cộng thêm hành vi phạm tội với con gái của nhân tình hiện tại là Itsuzi Jiro, Minaduki chịu án phạt hai năm rưỡi tù giam. Đến cuối cùng, khi ngày thi hành án gần đến, Minaduki vẫn không thể nào được nghe giọng nói lẫn câu trả lời của người chồng cũ, nhưng điều đó khiến cô hiểu ra rằng, “nếu muốn yêu người khác thì trước tiên hãy cứ yêu lấy mình trước đã”.
Fumio Yamamoto không theo đuổi lối viết phô bày, phân tích cặn kẽ nội tâm nhân vật. Qua các cuốn truyện của mình, từ tiểu thuyết cho đến truyện ngắn, nhà văn đều trung thành với lối viết vừa mộc mạc, sâu lắng lại vừa lãnh đạm, có phần sắc lạnh, thẳng thừng và chú trọng vào việc miêu tả nhân vật trong tương quan hành vi, ứng xử với các nhân vật khác. Miêu tả những xung động nhỏ nhất từ va chạm lời nói đến xung đột tâm tư, hành động của các nhân vật, từ đó làm nổi bật những góc khuất, những động cơ sâu kín trong tâm hồn người phụ nữ.
Nhìn bề ngoài, những người phụ nữ đang yêu, đang ghen tuông có vẻ như đang hủy hoại đối phương và những người thân thiết bên cạnh họ, nhưng thực ra thứ mà họ hủy hoại chính là bản thân họ. Lao mình vào một vòng xoáy không nhìn thấy đáy, rút cục, phụ nữ có thể vì tình yêu mà hủy hoại bản thân đến mức nào, câu trả lời đã nằm trong câu chuyện của Minaduki.
Fumio Yamanoto là tiểu thuyết gia Nhật Bản đương đại. Trúng độc yêu, Xanh một màu xanh khác, Trốn thoát khỏi thực tại là những tác phẩm đã xuất bản tại Việt Nam. Tác phẩm của nữ nhà văn thu hút sự quan tâm của độc giả trong và ngoài nước bằng giọng văn mộc mạc, sâu lắng và đầy trải nghiệm. Qua cả tiểu thuyết cũng như truyện ngắn của bà, có thể thấy Fumio đặc biệt quan tâm tới phụ nữ, nhất là phụ nữ trong ngưỡng tuổi ngoài ba mươi. Chủ đề chủ yếu xoay quanh cuộc sống, các mối quan hệ tình yêu, gia đình, công việc đời thường của một người phụ nữ bình thường chốn thị thành.
Qua những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất, nhà văn đã khắc họa chân dung tâm lý của lớp phụ nữ thành thị một cách khéo léo, sắc sảo và gây nhiều đồng cảm. Đó là những phụ nữ trên mình mang đầy những vết tích tổn thương thời thơ ấu và niên thiếu, tự mình đi qua một giai đoạn vô cùng khó khăn của tuổi ba mươi giống như đi qua một cây cầu, được một lần nhìn xuống dòng nước cuộc đời chảy xiết, tự mình soi lại đời mình, nhìn nhận bản thân và một lần nữa chín chắn hơn, trưởng thành hơn và bình thản hơn đón nhận những cơn bão cuộc đời.
Cuối mỗi câu chuyện của Fumio, bao giờ cũng là một phụ nữ đã mang không ít thương đau, tự hủy hoại mình đến chết đi sống lại, tuy có thể chưa tìm thấy điểm dừng của cuộc đời, nhưng luôn trong tâm thế bình thản đón nhận và không ngừng chiêm nghiệm. Đằng sau câu chuyện bỏ ngỏ đôi khi còn là cả một hành trình dài tái sinh bản thân của người phụ nữ.
Những câu chuyện của Fumio Yamamoto vì thế, bất chấp vỏ bọc lãnh đạm, thẳng thừng đến lạnh lùng, cuối cùng luôn mang một nụ cười bao dung và thấu hiểu.