Từ ngày 21 đến 24/6, Ban quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh phối hợp với huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi trưng bày chuyên đề "Lý Sơn - Tinh hoa di sản lễ hội, địa chất".
Đây là hoạt động khởi đầu hưởng ứng Tuần lễ văn hóa - du lịch huyện đảo Lý Sơn lần thứ II năm 2019; đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, quảng bá du lịch đến với du khách trong nước và quốc tế.
Khối san hô hóa thạch hình hoa hồng tại triển lãm. Ảnh: M.Hoàng. |
Dịp này, Ban tổ chức giới thiệu hiện vật, mẫu vật địa chất cùng nhiều hình ảnh, tư liệu quý về di sản địa chất công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh, trong đó có cụm đá san hô hóa thạch hình hoa hồng niên đại 6.000 năm.
Trước đó, cuối tháng 1/2018, nhóm chuyên gia thuộc Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố kết quả nghiên cứu về di sản cổ sinh độc đáo - "Nghĩa địa" san hô hóa thạch gần khu vực thắng cảnh Hang Câu, ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn.
Nhiều cụm đá san hô hóa thạch hình cối xay đủ mọi kích cỡ trải rộng trên diện tích 20.000 m2 ven biển.Các chuyên gia nhận định, những khối hóa thạch này có niên đại từ 5.000 đến 6.000 năm trước.
Cận cảnh khối san hô hóa thạch hình hoa hồng niên đại 6.000 năm. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Nam, Viện Địa chất khoáng sản - Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết lần đầu tiên phát hiện khối san hô hóa thạch nơi đây hệt như chiếc cối xay của người dân đồng bằng Bắc bộ hay sử dụng. "Chúng tôi đã đặt tên cho chúng là san hô cối xay nhưng quan sát kỹ thì giống hoa hồng hơn", ông Nam nói.
Các chuyên gia đánh giá, di sản địa chất ở đảo Lý Sơn phong phú, hàm chứa nhiều giá trị, giờ phát hiện thêm “nghĩa địa san hô" hóa thạch nên hội đủ điều kiện kiến nghị UNESCO xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu.
Quảng Ngãi xác định việc phát hiện di sản "nghĩa địa san hô" có ý nghĩa đặc biệt về mặt khoa học. Do vậy địa phương yêu cầu cơ quan chức năng khoanh vùng bảo vệ, ngăn chặn các hoạt động con người có thể xâm hại trong khu vực di sản địa chất này.