Ga tàu điện ngầm hồ Gươm dự kiến được đặt tại khuôn viên vườn hoa trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cách tháp bút 36 m, cách vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m.
Sáng 9/3, Hà Nội bắt đầu tổ chức trưng bày, lấy ý kiến người dân về quy hoạch ga tàu điện ngầm C9 - ga hồ Hoàn Kiếm - tại trung tâm Thông tin - Văn hoá hồ Gươm. Chương trình dự kiến kéo dài đến hết ngày 31/3.
Ga tàu điện ngầm hồ Hoàn Kiếm dự kiến được đặt tại khuôn viên vườn hoa trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội, cách tháp bút 36 m, cách vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120 m. Do nằm hoàn toàn trên phần đất công nên dự án sẽ thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng.
Theo quy hoạch, nhà ga dài 150 m, rộng 21,4 m, sâu 17,45 m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga).
Ga có 4 cửa lên. Trong đó, 3 cửa nằm bên phía tượng đài Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Một cửa lên nằm đúng tại vị trí nhà vệ sinh công cộng hiện tại.
Khi hoàn thành ga C9 sẽ có vai trò quan trọng trong tuyến đường sắt đô thị số 2 (từ Nam Thăng Long đến phố Huế) và kết nối ga C8 (tuyến số 1 từ Ngọc Hồi đến Như Quỳnh) và ga C10 (tuyến số 3 từ Nhổn đến Hoàng Mai).
Có mặt trong buổi trưng bày, nhà sử học Lê Văn Lan cho biết ông đã tham gia góp ý, nhận xét và đôi lúc là phê bình với các phương án của ban quản lý đường sắt Hà Nội. Hiện, ông đã tán thành phương án xây dựng trước Tổng công ty Điện lực Hà Nội.
Ông Hồ Thanh Sơn, phụ trách Phòng thực hiện dự án 2, Ban quản lý đường sắt Hà Nội, cho biết nhà ga hồ Hoàn Kiếm sẽ được thi công bằng máy khoan hiện đại của Nhật Bản, đảm bảo tiến độ và tránh ảnh hưởng đến cảnh quan.
Các khu vực như Tháp Bút, đền Bà Kiệu đều nằm ngoài vùng bị ảnh hưởng. Gần nhất như khu vực Tháp bút chỉ bị lún từ 1 đến 4 mm.
Trong thời gian trưng bày, các cán bộ của ban quản lý đường sắt Hà Nội sẽ túc trực giải thích cho người dân về quy hoạch ga tàu điện ngầm hồ Hoàn Kiếm.
Người dân có thể tham gia đóng góp ý kiến. Nếu nhận được sự đồng thuận của người dân thì đến tháng 5 quy hoạch sẽ được trình trước Quốc hội. Nếu tiếp tục được thông qua, dự án có thể khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.
Ông Bạch Văn Thông ở phố Mã Mây cho biết ông mong mỏi dự án sẽ sớm được đi vào thực hiện để người dân được đi tàu điện ngầm, giúp giảm lượng xe cơ giới trong phố cổ. Ông đã được chứng kiến robot khoan hầm metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM nên rất tin tưởng vào công nghệ Nhật Bản.
Còn ông Nghiêm Sỹ Thương, giảng viên Đại học Bách Khoa Hà Nội, thì cho rằng ga tàu ngầm hồ Hoàn Kiếm không chỉ kết nối hoạt động của các ga tàu điện ngầm khác mà còn giúp cảnh quan đẹp đẽ hơn. Tiêu biểu nhất là nó sẽ giúp ngầm hoá nhà vệ sinh công cộng trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Đứng nghiên cứu quy hoạch khá lâu, ông Phạm Thế Vĩnh ở phố Kim Liên tỏ ý nghi ngại vì dự án có thể gây ồn ào, phá vỡ không gian thanh bình của hồ Gươm. Bên cạnh đó, ga cũng xây dựng tại khu vực có nhiều công trình quan trọng, nhạy cảm.
Hội kiến Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên cao cho việc củng cố, tăng cường quan hệ Việt Nam - Campuchia.