Trung, Ấn 'so găng' trên dãy Himalaya
Báo cáo đặc biệt của hãng tin Reuters hôm 30/7 khẳng định, Trung Quốc và Ấn Độ đang chạy đua vũ trang trên nóc nhà của thế giới.
Ấn Độ và Trung Quốc từng có một cuộc chiến biên giới vào năm 1962. Đến nay, các bản đồ Trung Quốc vẫn “liếm” trọn bang Arunachal Pradesh của Ấn Độ. Do đó, không có gì lạ khi 2 cường quốc châu Á đang đối mặt ở sườn Đông dãy Himalaya.
Đổ tiền vào quân sự
Các vùng tranh chấp tại biên giới Ấn Độ - Trung Quốc (màu vàng). |
Binh lính Ấn Độ gần một căn cứ cạnh đường cao tốc Tezpur-Tawang ở bang Arunachal Pradesh. |
Trung Quốc chi rất mạnh tay để nâng cấp đường xá tại đây cũng như xây dựng hoặc mở rộng các sân bay ở Tây Tạng. Tên lửa tầm trung có khả năng mang đầu đạn hạt nhân được bố trí trong khu vực cùng với khoảng 300.000 quân lính đồn trú trên khắp Tây Tạng, theo một báo cáo năm 2010 của Lầu Năm Góc.
Cũng vào năm 2010, phóng viên Reuters tham gia đoàn thăm Tây Tạng thấy khoảng 5-6 chiếc chiến đấu cơ Su-27 và một số máy bay tối tân của Trung Quốc tại sân bay Gonggar ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng.
Bên kia biên giới, Ấn Độ đang ở giữa chừng của kế hoạch 10 năm nhằm tăng quy mô quân sự. Hồi tháng 5 vừa qua, nhiều trạm kiểm soát bộ binh được thiết lập ở khu vực biên giới thuộc bang Arunachal Pradesh, chuẩn bị cho việc tăng quân số từ 60.000 lên 120.000 trong vùng.
New Delhi cũng triển khai 2 phi đội Sukhoi 30 tại đây và sẽ bố trí tên lửa hành trình Brahmos trong tương lai. “Họ tăng cường sức mạnh quân sự của họ được thì chúng tôi cũng gia tăng sức mạnh trên phần đất của chúng tôi”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Anthony tuyên bố trước quốc hội gần đây.
Đường cao tốc "huyết mạch" Tezpur-Tawang vẫn còn dở dang. |
Tuy nhiên, theo phóng viên Reuters đi thực tế tại khu vực trên, Ấn Độ đang bị Trung Quốc bỏ xa về mặt xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuyến đường tiếp tế quân sự chính xuyên qua bang Arunachal mang tên Tezpur-Tawang hầu hết vẫn là đường đất. Đối lập với mong muốn đây sẽ là con đường cao tốc vận chuyển binh lính và vũ khí một khi có chiến sự với Trung Quốc, 2 bên đường hiện nay lại là hình ảnh các nữ công nhân quai búa sửa đường, nhiều người còn gùi con trên lưng.
Lơ lửng nguy cơ chiến tranh
Giới quân sự Ấn Độ cũng như các nhà phân tích, lập pháp có cùng quan điểm về “khả năng xảy ra một cuộc tấn công quân sự lớn nhằm vào Arunachal Pradesh" và hối thúc chính quyền New Delhi chuẩn bị sẵn sàng.
Báo chí Ấn Độ thường xuyên cảnh báo “các âm mưu của Trung Quốc”, còn tập trận diễn ra thường xuyên. Tháng 3/2012, trong khi ngoại trưởng Trung Quốc thăm Delhi, không quân Ấn “chào đón” bằng cuộc tập trận mang tên “Hủy diệt” ở vùng núi Arunachal. Ba tuần sau, Trung Quốc đáp lễ bằng cuộc tập trận ném bom mặt đất của chiến đấu cơ J-10.
Ngược lại, một số quan chức trong chính phủ Trung Quốc cũng lo ngại Ấn Độ sẽ bắt tay với Mỹ để kiềm chế Bắc Kinh. Đến nay, Mỹ bán cho Ấn Độ số vũ khí trị giá 8 tỉ USD.
Xe quân sự Ấn Độ trên đường Tezpur-Tawang. |
Tuy nhiên, một số nghị sĩ Ấn xem nhẹ khả năng xảy ra đụng độ mặt đối mặt ở Arunachal bởi lẽ địa hình ở đây cực kỳ hiểm trở. Thêm vào đó, với vũ khí hạt nhân, 2 nước không cần dốc toàn lực chiến đấu. Hiện Trung, Ấn thiết lập một đường dây nóng quân sự và thường xuyên tổ chức các cuộc gặp giữa quan chức 2 bên để xoa dịu căng thẳng. Thương mại song phương năm 2011 vọt lên 74 tỉ USD thay vì chỉ vài tỉ USD của 10 năm trước.
Một quan chức cấp cao Ấn Độ cho Reuters biết, không nhiều khả năng xảy ra chiến tranh Trung - Ấn nhưng 2 nước không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đầu tư cho quốc phòng tại biên giới.
Theo Người Lao Động