Chính sách ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc bị lên án
Những động thái gây căng thẳng gần đây của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt là việc thành lập thành phố Tam Sa và gửi quân đồn trú tại đây, tiếp tục là mục tiêu chỉ trích của các học giả tên tuổi trên thế giới trong những ngày qua.
Trong bài viết đăng trên website của Viện Nghiên cứu và phân tích quốc phòng ở Ấn Độ hôm 30/7, nhà ngoại giao Ấn Độ RS Kalha đã điểm lại chuỗi những hành động gây hấn gần đây của Trung Quốc, từ việc thành lập thành phố Tam Sa đến việc cử quân đồn trú tại đây, và chỉ ra rằng Trung Quốc sẽ cực kỳ khó khăn để có thể bảo đảm an ninh cho lực lượng đồn trú.
Tàu hải giám của Trung Quốc ở biển Đông. |
Theo ông RS Kalha, cựu Thư ký Ngoại giao Ấn Độ, các đơn vị đồn trú sẽ không thể trụ nổi trước một đòn tấn công duy nhất.
“Tất cả những gì cần thiết là một tên lửa dẫn đường bằng laser bắn từ dưới biển để biến đơn vị đồn trú của Trung Quốc tan thành khói. Họ sẽ không bao giờ biết phe tham chiến nào bắn nó. Vì thế, người Trung Quốc sẽ tìm ai để trả đũa?”, ông Kalha viết.
Trước những hành động của Trung Quốc, các nước trong khu vực sẽ đoàn kết hơn nữa để chống lại những tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và chào đón sự hiện diện và giúp đỡ về quân sự của Mỹ, theo ông Kalha.
“Vẫn chưa quá muộn để Trung Quốc nhận ra hành động điên rồ của họ và rút khỏi những hòn đảo không có người ở và tìm kiếm một giải pháp hòa bình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS)”, ông Kalha cảnh báo.
Tương tự, ông Michael Auslin, một học giả thuộc tổ chức American Enterprise Institute viết trên tờ Wall Street Journal số ra hôm nay, 31/7 rằng: “Nếu Bắc Kinh nghĩ rằng đơn vị đồn trú mới sẽ khiến các quốc gia khác chùn chân thì họ đã tính toán sai lầm, ít nhất vào lúc này”.
Ông Auslin kêu gọi chính phủ Mỹ hãy đe dọa hủy bỏ các cuộc đối thoại quân sự song phương cho đến khi Trung Quốc đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc gửi quân đồn trú.
Trước đó, nhà nghiên cứu Michael Richardson thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cũng chỉ đích danh chính sách “ngoại giao pháo hạm” của Trung Quốc sau khi điểm lại các hoạt động gây hấn, bao gồm việc mời thầu thăm dò dầu khí phi pháp tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cử đội tàu cá có quy mô lớn bất thường đến quần đảo Trường Sa của Việt Nam và đặt các tàu hải quân trong trạng thái ứng chiến ở biển Đông.
Ông Richardson khẳng định những hành động của Trung Quốc đã đi ngược lại với những cam kết của Bắc Kinh về việc không theo đuổi bá quyền.
“Điều mà biển Đông cần là một giai đoạn hạ nhiệt, trong đó các nước tranh chấp tránh đối đầu và cân nhắc cách giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, dựa theo luật pháp quốc tế”, ông Richardson viết trên tờ Japan Times.
Theo Thanh Niên