Với chính sách mới, Nhà Trắng muốn đẩy nhanh quá trình chuẩn thuận các hợp đồng mua bán vũ khí cũng như tăng cường vai trò của các quan chức cấp cao, bao gồm Tổng thống Donald Trump, trong việc hoàn tất mua bán với nước ngoài, theo Reuters.
Chính sách mới được cho là chú trọng đến lợi ích kinh doanh hơn trong việc mua bán vũ khí lâu nay vốn đề cao vấn đề nhân quyền. Yếu tố nhân quyền sẽ chỉ có tầm quan trọng ngang hàng với các yếu tố khác khi xem xét các hợp đồng mua bán vũ khí, bao gồm nhu cầu của các nước đồng minh và thiệt hại kinh tế nếu nhà thầu Mỹ không giành được hợp đồng.
Chính sách mới nhằm thúc đẩy việc bán vũ khí Mỹ cho đồng minh. Ảnh: military.com. |
"Đây là một chính sách cân bằng. Chúng tôi chắc chắn xem xét vấn đề nhân quyền như là một trong các yếu tố mà chúng tôi cần xem xét", đại sứ Tina Kaidanow, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ giám sát các hợp đồng xuất khẩu vũ khí, cho biết.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm 18/4, Tổng thống Trump nói chính quyền của ông đang tìm cách "đi đường vòng" để tránh quy trình phức tạp tại Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng để xúc tiến việc bán vũ khí cho Tokyo và các đồng minh khác.
Tuy nhiên, việc đặt yếu tố thương mại và kinh tế ngang hàng với yếu tố nhân quyền trong quá trình ra quyết định mua bán vũ khí cũng gây ra quan ngại.
"Chính sách mới loại bỏ việc đánh giá toàn diện hơn các nguy cơ khi xem xét hợp đồng vũ khí. Vũ khí có thể được bán cho những kẻ lạm dụng nhân quyền chừng nào Mỹ không biết rõ về việc liệu chúng có được sử dụng trong các tội ác diệt chủng", Brittany Benowitz, từng làm việc tại Thượng viện Mỹ kiêm luật sư, nói.
Tổng thống Trump được cho là thường xuyên gây sức ép buộc đồng minh mua vũ khí Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Ông Trump đã gây sức ép để các chính phủ nước ngoài mua vũ khí Mỹ trong gần như mọi cuộc điện đàm giữa ông với nguyên thủ các nước đồng minh lớn, theo một quan chức Bộ Ngoại giao.
Chính sách mới đi xa hơn việc nới lỏng các quy định về mua bán quân sự với nước ngoài từng được thực hiện dưới thời Tổng thống Barack Obama năm 2014. Nó cho phép Mỹ bán các thiết bị không người lái mang tính sát thương có thể phóng tên lửa cũng như thiết bị không người lái làm nhiệm vụ do thám mọi kích cỡ.