Sáng 3/1, Quốc hội khóa mới của Mỹ bước vào phiên họp đầu tiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cập nhật dòng trạng thái "kép" gây xôn xao trên Twitter. Ông chỉ trích việc Hạ viện quyết định kiềm chế quyền lực của Văn phòng Đạo đức Quốc hội (OCE), cơ quan giám sát độc lập hoạt động từ năm 2008.
Hai dòng tweet gây sốc của ông Trump cho rằng Hạ viện còn nhiều việc quan trọng phải lo hơn là "ưu tiên" làm suy yếu cơ quan giám sát đạo đức của Quốc hội. Twitter. |
Ông Trump cho rằng Hạ viện còn nhiều việc cần phải lo, ví dụ như cải cách thuế và y tế, hơn là "ưu tiên" làm suy yếu OCE, cơ quan được ủy quyền điều tra các cáo buộc chống lại các nghị sĩ.
Bình luận của ông Trump còn kèm theo hashtag #DTS (viết tắt của cụm từ "drain the swamp" - tạm dịch: tháo nước đầm lầy), khẩu hiệu chống tham nhũng trong chiến dịch của Trump. Vị tổng thống tân cử muốn gửi đi thông điệp rằng quyết định của Hạ viện không phù hợp với cam kết của ông.
Gáo nước lạnh từ Trump
Chỉ vài giờ sau khi những dòng tweet được đăng tải, Hạ viện Mỹ rút lại quyết định, vốn được công bố vào cuối ngày hôm trước, sau cuộc bỏ phiếu kín. Điều này chắc chắn làm nhiều thành viên đảng Cộng hòa không vui lòng.
Lần đầu tiên kể từ năm 2007, đảng Cộng hòa nắm quyền lực tại cả Hạ viện, Thượng viện và Nhà Trắng. Trong bối cảnh đó, hành động của vị tổng thống đắc cử giống như “gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt một số người”, Nghị sĩ Cộng hòa Lou Barletta, thành viên nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump, nhận xét.
Theo Politico, một số nghị sĩ Cộng hòa đã đặt vấn đề về việc liệu họ có phải phải chạy theo những “công văn qua mạng” của ông Trump trong 4 năm tới, hoặc thậm chí có thể lâu hơn nữa.
“Quốc hội không quen với việc có vị tổng thống lên Twitter và bày tỏ quan điểm của mình bằng những dòng trạng thái như thế. Đây không phải là cách mọi thứ vận hành ở đây”, Nghị sĩ Lou Barletta nói.
Những phát ngôn của ông Trump góp phần châm ngòi cho những bất đồng trong nội bộ đảng Cộng hòa. Ảnh: AP. |
Nhiều nghị sĩ tỏ ra tức giận với cách công kích cả đối thủ lẫn “người nhà” của ông Trump trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên những người ủng hộ Trump cho rằng đây mới chính là nét tính cách được nhiều người thích của vị tân tổng thống đắc cử.
“Chắc chắn sẽ có rất nhiều căng thẳng và bất hòa trong thời gian tới bởi vì Trump không phải là một chính trị gia đảng Cộng hòa thông thường”, ông Newt Gingrich, cựu chủ tịch Hạ viện , một người thân cận với ông Trump, nhận định.
Nội bộ vẫn sẽ lục đục?
Sự kiện trên góp phần chứng tỏ bộ máy quyền lực Mỹ đang dần thay đổi và ngày càng trở nên dễ xáo trộn vì những ý nghĩ “chớp nhoáng” của vị tổng thống đắc cử. Trong vòng 12 tiếng sau những dòng tweet của ông Trump, Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ) đã nhận hàng nghìn cuộc điện thoại.
Thực tế, ông Trump không hề biết về việc bỏ phiếu của Hạ viện cho đến tối 2/1 khi kết quả được công bố. Thậm chí, ban đầu các phụ tá của ông Trump công khai ủng hộ quyết định của Hạ viện. Phát biểu trong chương trình “Chào buổi sáng nước Mỹ” của đài ABC, Kellyanne Conway - cố vấn của ông Trump - cho rằng quyết định sẽ giúp làm giảm “sự quá khích” của OCE.
“Quyết định này của Hạ viện không mâu thuẫn với chiến dịch 'tháo nước đầm lầy' của ông Trump”, bà Conway khẳng định. Thế nhưng không lâu sau đó, ông Trump đã lên Twitter thể hiện quan điểm xoay chuyển 180 độ.
Nghị sĩ Lou Barletta cho rằng nhờ mạng xã hội, ông Trump có thể tương tác trực tiếp với người dân Mỹ và “đó là lý do ông ấy thành tổng thống”. Ảnh: Getty. |
Mối bất hòa này trong nội bộ đảng Cộng hòa chưa rõ sẽ tiến triển ra sao. Tuy nhiên theo Nghị sĩ Chris Collins, thành viên nhóm chuyển giao chính quyền mới, các thành viên đảng Cộng hòa đang làm việc rất tích cực với ông Trump và họ cũng hiểu rằng chính vị tân tổng thống sẽ là người đề ra các chương trình nghị sự.
Mặt khác, Nghị sĩ Lou Barletta cho rằng trong tương lai ông Trump sẽ buộc Quốc hội phải làm việc nhiều hơn, một phần bởi vì ông có thể nói chuyện trực tiếp với hàng triệu cử tri Mỹ thông qua mạng xã hội. “Đó là lý do ông ấy thành tổng thống”, ông Barletta nói.
Về việc có thông qua dự luật hạn chế quyền lực của OCE hay không, nhiều nghị sĩ cho biết họ sẽ lật lại vấn đề này trong 6 tháng tới khi mọi chuyện đã “yên ắng” trở lại. Một số khác lại mong vấn đề này sẽ “biến mất mãi mãi”. Trong khi đó, Nghị sĩ Lou Barletta cho rằng cần phải “cầu cứu” đảng Dân chủ.