Trump - Kim gặp gỡ bất ngờ, bắt tay chớp nhoáng trên đất Triều Tiên
Chủ nhật, 30/6/2019 15:34 (GMT+7)
15:34 30/6/2019
Trong một cuộc gặp không được xác nhận đến giờ chót, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ngày 30/6 đã gặp nhau và có cái bắt tay lịch sử ở biên giới liên Triều.
Trong cuộc gặp chỉ được khởi xướng trước một ngày, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đã bắt tay nhau ở Khu phi quân sự (DMZ) tại vùng biên giới ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đi về phía nhau từ hai hướng của đường biên giới, bắt tay nhau trước khi ông Kim mời ông Trump bước qua ranh giới phía bắc.
"Đây là một khoảnh khắc lịch sử", nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt chân lên lãnh thổ Triều Tiên, qua ranh giới ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Sau khi bước khoảng 20 bước vào lãnh thổ Triều Tiên, ông Kim nói với ông Trump: "Rất vui khi gặp lại ông. Tôi không nghĩ có thể gặp ông ở đây".
"Bước qua ranh giới đó là một vinh dự lớn", Tổng thống Trump nói và nhấn mạnh rằng ông và Kim có một "tình bạn tuyệt vời". Với cuộc gặp này, ông Trump làm nên lịch sử khi trở thành tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên, nhưng các chuyên gia nghi ngờ việc này sẽ không tạo ra đột phá thật sự cho việc phi hạt nhân hóa.
Sau khi bắt tay trên đất Triều Tiên, hai nhà lãnh đạo quay trở lại phía nam, và Tổng thống Trump mời ông Kim đến Nhà Trắng. "Tôi sẽ mời ông ấy đến Nhà Trắng ngay bây giờ", ông Trump nói. "Rất nhiều điều thực sự tích cực đang diễn ra, thực sự tích cực".
Khi hai người đã ngồi xuống cùng nhau, nhà lãnh đạo Kim Jong Un nói rằng ông rất bất ngờ khi nhận được lời mời công khai của tổng thống Mỹ hôm 29/6. "Tôi rất bất ngờ khi nghe về đề nghị của ông trên Twitter và đến chiều tôi mới có thể xác nhận lời mời của ông. Tôi đã muốn gặp ông lần nữa, đặc biệt đối với cả hai miền Triều Tiên, nơi đây là biểu tượng của quá khứ không thể quên", ông Kim nói.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cho biết ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump có mối quan hệ tuyệt vời. "Nếu không có mối quan hệ tốt đẹp đó, chúng tôi sẽ không thể biến cuộc gặp gỡ bất ngờ này thành hiện thực".
Ngồi cạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên, ông Trump nói: "Tôi rất tự hào khi bước vào Triều Tiên". Ông cảm ơn ông Kim một lần nữa vì đã gặp gỡ và nói thêm: "Khi tôi đưa ra thông báo trên mạng xã hội, nếu ông ấy không xuất hiện, báo chí sẽ khiến tôi trông rất tệ". Ông nói vì ông Kim xuất hiện, "cả hai đều trông rất ổn".
Ngày 29/6, Tổng thống Donald Trump bất ngờ đề xuất cuộc gặp để "bắt tay và nói xin chào" với Chủ tịch Kim Jong Un tại Khu vực phi quân sự DMZ. Đáp lại, phía Triều Tiên nói rằng đây là ý tưởng "rất thú vị". Sáng 30/6, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết ông Trump sẽ gặp ông Kim Jong Un ở khu vực DMZ tại biên giới liên Triều, theo AFP.
Đây là lần thứ ba hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều Tiên gặp nhau. Lần gần nhất họ gặp nhau là ở hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, và trước đó ở Singapore. Một số chuyên gia chỉ trích việc ông Trump liên tục gặp ông Kim là gián tiếp công nhận Triều Tiên là "một quốc gia hạt nhân".
Victor Cha, giáo sư tại Đại học Georgetown, nói rằng cuộc gặp hôm nay là "truyền hình thực tế" và "ngoại giao giả tạo". "Ông Moon nghĩ rằng những màn chụp ảnh chung sẽ giúp phi hạt nhân hóa? Ông Trump có thể không biết nhưng ông Moon nên biết", Cha viết trên Twitter.
Trước đó, Tổng thống Trump nói rằng ông chỉ đến DMZ tìm kiếm một "cuộc gặp bắt tay" với ông Kim, không phải một hội nghị thượng đỉnh. "Nó có thể là một bước đi quan trọng, có thể không. Có lẽ là một bước đi đúng hướng", ông Trump nói. Tuy nhiên, sau đó cuộc gặp riêng giữa hai ông Kim và Trump đã kéo dài đến 50 phút.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lần đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên và có cái bắt tay lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong nỗ lực cải thiện quan hệ.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ ngày 25/11 (giờ địa phương) nói rằng cả Mỹ lẫn Trung Quốc "đều không thể thắng trong một cuộc chiến thương mại hay một cuộc chiến về thuế quan".
Đô đốc Rob Bauer lập luận rằng trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, các nước NATO nên là những nước đầu tiên tiến hành các cuộc tấn công độ chính xác cao phối hợp vào lãnh thổ Nga.