Rơi nước mắt sau lưng Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, sau khi hai ông ra tuyên bố chung lịch sử hôm 27/4, là người đàn ông đã không ngừng nỗ lực thiết lập các cuộc đối thoại dường như bất khả thi giữa hai cựu thù trong suốt hai thập kỷ qua.
Mười tám năm trước, ông Suh Hoon, nhân viên tình báo Hàn Quốc, đến Bình Nhưỡng để thuyết phục nhà lãnh đạo Kim Jong Il đồng ý tiến hành một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ tại thủ đô Triều Tiên vào năm 2000. Giờ đây, ông Suh lại được nhìn thấy cảnh con trai của ông Kim đưa ra lời cam kết hòa bình cho bán đảo Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra trên lãnh thổ Hàn Quốc, vài bước chân từ đường giới tuyến quân sự được vũ trang dày đặc.
Ông Suh Hoon (đứng sau) lấy khăn lau nước mắt trong khoảnh khắc lãnh đạo hai miền Triều Tiên ra tuyên bố chung hôm 27/4. Ảnh: Reuters. |
Nhà đàm phán số 1
Cuộc gặp hôm 27/4 là lần đầu tiên một lãnh đạo của Triều Tiên đặt chân lên lãnh thổ Hàn Quốc, kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) khiến vùng bán đảo Đông Bắc Á bị chia đôi và hai nước đến nay vẫn đang trong tình trạng chiến tranh trên lý thuyết.
Cuộc gặp lịch sử diễn ra sau gần một năm từ khi ông Moon, một người theo đường lối tự do, lên nắm quyền tại Hàn Quốc. Vị tổng thống nhanh chóng bổ nhiệm ông Suh làm giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS). Moon nói rằng ông Suh là "người thích hợp" để hồi sinh quan hệ liên Triều vốn đã trở nên căng thẳng vì chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
"Giờ vẫn còn quá sớm để nói về hội nghị thượng đỉnh liên Triều tiếp theo", ông Suh nói với các phóng viên sau khi được bổ nhiệm và quay về cơ quan mà ông từng dứt áo ra đi khi chính phủ bảo thủ được thành lập tại Hàn Quốc năm 2008. "Nhưng chúng ta cần điều đó".
Ông Suh, người từng đích thân giúp sắp xếp hai hội nghị thượng đỉnh liên Triều vào các năm 2000 và 2007, được xem là chuyên gia hàng đầu về Triều Tiên của Hàn Quốc. Ông được biết đến là người Hàn tiếp xúc nhiều nhất với cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il.
Lee Jong Seok, cựu bộ trưởng thống nhất của Hàn Quốc từng đến Bình Nhưỡng cùng ông Suh vào năm 2003 với tư cách là đặc phái viên của tổng thống Hàn khi đó là Roh Moo Hyun, xem ông Suh là "nhà đàm phán số 1 với Triều Tiên" trong cuốn hồi ký ra mắt năm 2014.
Ông Suh Hoon bắt tay với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un hôm 27/4. Ảnh: Reuters. |
Ông Suh, 64 tuổi, cũng từng sống tại Triều Tiên hai năm hồi cuối thập niên 1990, tham gia vào kế hoạch xây dựng một lò phản ứng hạt nhân, một phần trong thỏa thuận quốc tế nhằm đóng băng chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng năm 1994. Thỏa thuận đó cuối cùng đổ vỡ.
"Ông ấy xuất hiện, biết rõ mọi thứ vận hành thế nào cũng như cần phải làm gì, và ông Moon che chở cho ông ấy về chính trị một cách rõ ràng", John Delury, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul, nhận định.
Nhà Xanh từ chối bình luận về vai trò của ông Suh.
Mạng lưới quan hệ
Hồi tháng 3, ông Suh có mặt trong phái đoàn 10 thành viên của Hàn Quốc đến gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Bình Nhưỡng. Họ là những quan chức đầu tiên của chính phủ miền Nam bán đảo tiếp xúc với ông Kim kể từ khi ông lên nắm quyền cuối năm 2011 sau cái chết của người cha Kim Jong Il.
Tại cuộc gặp, ông Kim Jong Un không chỉ đồng ý gặp Tổng thống Moon và còn gây kinh ngạc cho ông Suh cũng như các đặc phái viên cùng đi khi nói rằng ông sẵn lòng thảo luận về vấn đề phi hạt nhân hóa với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này là khởi đầu cho cuộc gặp chưa từng có tiền lệ giữa lãnh đạo đương nhiệm hai nước Mỹ, Triều, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6.
Ông Suh sau đó cũng sắp xếp chuyến đi Bình Nhưỡng cho người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo, giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) từ 31/3 đến 2/4. Chuyến đi nhằm mục đích chuẩn bị cho cuộc gặp Trump - Kim, theo các quan chức Mỹ.
Ông Pompeo, người vừa mới được phê chuẩn cho vị trí ngoại trưởng Mỹ, đã hình thành "mối quan hệ tốt" với nhà lãnh đạo Triều Tiên và cuộc gặp giữa họ đã diễn ra "rất suôn sẻ", ông Trump nói.
"Tôi nghĩ mạng lưới quan hệ có vai trò lớn trong việc tổ chức những sự kiện thế này", Moon Hong Sik, nghiên cứu viên tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia ở Seoul, đánh giá. Vị chuyên gia chỉ ra rằng ông Suh không chỉ có quan hệ với ông Pompeo mà còn cả với ông Kim Yong Chol, cựu lãnh đạo tình báo quân đội Triều Tiên, hiện là người phụ trách của nước này về quan hệ hai miền.
Suh Hoon là một trong 6 người có mặt trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo Hàn, Triều hôm 27/4. Đồ họa: CNN. |
Ông Suh là một trong hai quan chức mà Tổng thống Moon lựa chọn để cùng tham gia cuộc hội đàm chính thức với nhà lãnh đạo Kim Jong Un hôm 27/4. Ba thành viên phía Triều Tiên, ngoài ông Kim là em gái ông, Kim Yo Jong, và ông Kim Yong Chol, người hiện giữ chức phó chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên.
"Việc ông Suh có mặt ở đó đã nói lên nhiều điều về vai trò quan trọng mà ông nắm giữ trong việc dàn xếp cuộc gặp", Seo Yu Suk, thuộc Viện Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, nhận định.