Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trùm' đấu giá Sotheby’s chìm trong số nợ khủng

Thị trường nghệ thuật lao dốc khiến Sotheby's trì hoãn thanh toán các khoản nợ trị giá 1,8 tỷ USD và chờ đợi sự hỗ trợ tài chính từ một quỹ đầu tư.

Sotheby's anh 1

Một buổi đấu giá tranh của Sotheby's. Ảnh: Sotheby's.

Thị trường nghệ thuật đang trải qua giai đoạn khó khăn, và không ai cảm thấy đau đớn hơn Sotheby's. Theo Wall Street Journal, doanh số của gã khổng lồ này đã sụt giảm trước sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc, các xung đột địa chính trị và cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.

Số liệu của Bloomberg cho thấy tổng giá trị 10 tác phẩm nghệ thuật đắt nhất được đấu giá thành công năm 2022 là 760 triệu USD, nhưng con số này đã giảm xuống chỉ còn 403 triệu USD vào năm 2023 và sang năm nay chỉ còn 312 triệu USD.

Áp lực kinh doanh dồn lên vai Patrick Drahi, ông chủ của Sotheby’s và tập đoàn viễn thông Altice, buộc vị doanh nhân này phải tìm cách tái cấu trúc toàn đế chế.

Thời hoàng kim suy tàn

Wall Street Journal cho biết Sotheby’s là một trong 2 nhà đấu giá hàng đầu thế giới ở mảng nghệ thuật với doanh số ít nhất 7 tỷ USD hàng năm.

Tuy nhiên giờ đây khi dòng tiền cạn kiệt, Sotheby’s đã trì hoãn thanh toán cho các đối tác vận chuyển và bảo quản tác phẩm đến 6 tháng.

Các nhân viên cho biết công ty thậm chí phải phát hành giấy ghi nợ thay vì trả tiền thưởng cho nhân viên cấp cao. Trong cuộc họp ban giám đốc tháng 9, nhiều lãnh đạo đã bày tỏ lo ngại về khả năng trả lương đúng hạn cho nhân viên của nhà đấu giá này.

Sotheby's anh 2

Doanh số sụt giảm khiến Sotheby's phải hoãn thanh toán các khoản nợ. Ảnh: Sotheby's.

Cùng lúc này, Drahi cũng đang chịu áp lực từ khoản nợ khổng lồ lên đến gần 60 tỷ USD của Altice. Hiện chi nhánh tại Pháp và Mỹ của tập đoàn đang đàm phán tái cơ cấu với chủ nợ.

Một số nhà phân tích Phố Wall kỳ vọng Drahi sẽ bán một phần Sotheby’s để hỗ trợ tài chính cho Altice. Bản thân hãng đấu giá cũng đang gánh khoản nợ 1,8 tỷ USD, gần gấp đôi so với thời điểm ông mua lại vào năm 2019.

Giá trị trái phiếu của Sotheby’s đã giảm một nửa đầu năm nay do các nhà đầu tư lo ngại công ty không đủ dòng tiền hoạt động vì doanh số giảm và lãi suất cao.

Sotheby’s đã nhận cứu trợ từ quỹ ADQ của Abu Dhabi với thương vụ bán cổ phần trị giá 1 tỷ USD, công bố vào ngày 9/8 và dự kiến ​hoàn tất cuối năm nay. Drahi cũng sẽ góp một khoản nhưng không được tiết lộ.

Dù vậy, Charles Stewart, CEO của Sotheby’s, lại bác bỏ những lo ngại về tình hình tài chính của công ty. Ông cho rằng việc giá trị trái phiếu của công ty phục hồi sau khi thỏa thuận với ADQ được công bố là minh chứng cho thấy công ty đã xoa dịu các lo ngại. Ông tin tưởng khoản đầu tư của ADQ sẽ giúp Sotheby’s phát triển trong tương lai.

Phát ngôn viên của Sotheby’s còn nhấn mạnh: “Dưới thời ông Drahi, Sotheby’s lớn mạnh hơn, đa dạng hóa và sinh lời nhiều hơn bao giờ hết. Trong thời gian này, chúng tôi đã đầu tư hàng trăm triệu USD để nâng cấp cơ sở, công nghệ và mở rộng dịch vụ cho khách hàng”.

Thực tế, Patrick Drahi, 61 tuổi, nổi tiếng vì đã gánh trên vai khoản nợ khổng lồ để xây dựng nên đế chế viễn thông Altice, và ông đã làm điều tương tự với Sotheby’s.

Drahi mua lại Sotheby’s năm 2019 với giá 2,7 tỷ USD và tiếp nhận khoản nợ 1 tỷ USD của hãng đấu giá này. Kể từ đó, vị tỷ phú tích cực “vung tiền” đầu tư cho các phòng trưng bày hạng sang của Sotheby’s trên khắp thế giới như Paris, Hong Kong, New York... với kỳ vọng mở rộng đế chế này trước đối thủ Christie’s.

Sotheby's anh 3

Phòng trưng bày của Sotheby's. Ảnh: Frick Collection.

Báo cáo của New Street Research còn cho thấy Sotheby’s còn chi tiền mua cổ phần các công ty bất động sản, kinh doanh ôtô, và thậm chí trả 1,2 tỷ USD cổ tức cho một công ty mà Drahi kiểm soát.

Hậu quả khi thị trường nghệ thuật chững lại, Sotheby’s báo lỗ 115 triệu USD trong nửa đầu năm nay, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3 triệu USD. Dĩ nhiên, doanh số đấu giá của đối thủ Christie’s cũng giảm gần 25%.

Drahi hủy hoại Sotheby’s?

Đầu năm 2019, khi Sotheby’s được rao bán, tỷ phú Drahi, một gương mặt xa lạ trong giới nghệ thuật, bất ngờ xuất hiện. Vào thời điểm đó, Drahi là nhà sưu tập nghệ thuật truyền thống với các tác phẩm của Pablo Picasso, Henri Matisse và Marc Chagall, thay vì những họa sĩ đương đại đang thịnh hành.

Sotheby's anh 4

Ông chủ hiện tại của Sotheby's, Patrick Drahi. Ảnh: Wikimedia.

Dù đã quen biết với nhân viên Sotheby’s tại Tel Aviv, Drahi không nổi bật trong giới sưu tập nghệ thuật và hiếm khi xuất hiện tại các buổi đấu giá lớn hay tham gia hội đồng bảo tàng. Thương vụ mua lại Sotheby’s đánh dấu lần đầu tiên Drahi thâm nhập vào lĩnh vực xa xỉ, song đến thời điểm hiện tại, chuyện kinh doanh không như ông mong đợi.

Drahi đã khẳng định với Sotheby’s rằng ông xem công ty như một khoản đầu tư cho gia đình và liên tục bác bỏ tin đồn rằng ông sẽ bán lại hãng. Năm 2021, con trai ông, Nathan, khi đó 26 tuổi, đã được thăng chức quản lý hoạt động của Sotheby’s tại châu Á, một thị trường vô cùng quan trọng.

Trong thương vụ này, Sotheby’s đã chia các mảng kinh doanh như bất động sản và dịch vụ tài chính thành các thực thể riêng biệt với lĩnh vực đấu giá và giao dịch nghệ thuật. Stewart cho biết động thái này nhằm giúp mỗi bộ phận linh hoạt hơn.

Hoạt động của Sotheby’s bắt đầu gặp trục trặc khi các nhà cung ứng và bảo quản nghệ thuật bị chậm thanh toán, từ 1 tháng theo thông lệ kéo dài lên 6 tháng. Đồng thời, Sotheby’s cũng gia hạn thời gian thanh toán cho người bán từ 5 ngày lên 15 ngày.

Không dừng lại ở đó, vị tỷ phú còn điều chỉnh cơ chế lương thưởng, cắt giảm lương của 20% nhân viên, khiến nhiều giám đốc tài năng rời bỏ công ty.

Đến tháng 2, Sotheby’s tiếp tục gây chấn động khi thay đổi chính sách phí hoa hồng đấu giá, khiến giới nghệ thuật bất ngờ.

Thông thường, cả Sotheby’s và Christie’s đều miễn phí hoa hồng cho người bán nhằm thu hút các tác phẩm giá trị về sàn. Thậm chí, trong một số trường hợp, họ còn chia sẻ khoản hoa hồng lên tới 27% với người bán khi tác phẩm được đấu giá thành công.

Tuy nhiên, Drahi đã thay đổi hoàn toàn chính sách này khi áp dụng mức phí cố định 10% đối với người bán cho mọi tác phẩm có giá bán từ 5 triệu USD trở xuống.

Hiện vẫn chưa rõ Drahi sẽ có động thái gì tiếp theo để xử lý tình hình hiện tại của Sotheby’s. Tuy nhiên, loạt chính sách vô lý của Drahi đã làm giới nghệ thuật bất mãn và khiến Sotheby’s ngày càng mất danh tiếng trên thị trường.

Triển lãm đấu giá của G-Dragon có gì?

Triển lãm "Nothing but a 'G' Thang" bao gồm bộ sưu tập thời trang, tác phẩm nghệ thuật do G-Dragon sưu tầm, đánh dấu sự kết hợp giữa biểu tượng K-Pop với Pharrell Williams.

Khả năng chữa lành của những kiệt tác hội họa

Sách “Nghệ thuật không chỉ để ngắm” của Susie Hodge mang đến một góc nhìn mới mẻ về khả năng chữa lành của nghệ thuật hội họa.

Thấy gì từ con số tỷ USD của Selena Gomez, Kim Kardashian?

Selena Gomez, Rihanna và Kim Kardashian thành tỷ phú USD phần lớn nhờ kinh doanh làm đẹp chứ không phải các sản phẩm nghệ thuật.

Không phải ai cũng có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những doanh nhân, tỷ phú, những nhà quản lý doanh nghiệp nổi tiếng thế giới. Tuy nhiên, vẫn có cách để chúng ta tiếp cận, tìm hiểu về câu chuyện kinh doanh, cuộc đời, kinh nghiệm của các doanh nhân, tỷ phú nổi tiếng thông qua sách.

Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách doanh nhân - nơi chia sẻ những cuốn sách, câu chuyện về cuộc đời và kinh nghiệm của các tỷ phú, nhà quản lý nổi tiếng thế giới. Tủ sách không chỉ bao gồm các cuốn sách, câu chuyện từ tác giả độc lập mà còn bao gồm những cuốn sách do chính các tỷ phú viết về cuộc đời mình. Tủ sách doanh nhân mong muốn gửi tới độc giả các câu chuyện, góc nhìn về những cá nhân thành công nhất trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời mong muốn lan tỏa tri thức, phát triển văn hóa đọc cho người Việt.

Cẩm Tú

Bạn có thể quan tâm