Theo CNN, báo cáo năm 2019 của tổ chức nghiên cứu Hurun Report cho thấy con số triệu phú và tỷ phú USD ở Trung Quốc giảm trong năm thứ hai liên tiếp, nhưng tài sản trung bình của nhóm đại gia này tăng lên đáng kể.
Nền kinh tế quốc gia đông dân nhất thế giới đang chuyển đổi theo hướng sang kỹ thuật số. Do đó nhiều ông lớn ngành sản xuất và xây dựng văng khỏi nhóm đầu danh sách Hurun Report.
"Các doanh nhân công nghệ đang thay thế nhóm đại gia những ngành truyền thống như sản xuất và bất động sản", CNN dẫn lời ông Rupert Hoogewerf, Chủ tịch Hurun Report, cho biết.
Nhà sáng lập Alibaba Jack Ma vẫn là người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
Đại gia bất động sản hụt hơi
Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba - giữ vững vị trí số một trong danh sách người giàu Trung Quốc với khối tài sản 39 tỷ USD. Xếp sau ông là Pony Ma, nhà sáng lập Tencent, với 37 tỷ USD.
Ngành sản xuất và bất động sản vẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng tài sản của những đại gia ngành này đang giảm dần. Trường hợp điển hình là tỷ phú Hứa Gia Ấn, ông chủ Tập đoàn bất động sản Evergrande.
Cách đây hai năm, ông Hứa là người giàu nhất Trung Quốc. Nhưng trong thời gian qua, khối tài sản của ông đã giảm đến 13 tỷ USD xuống chỉ còn 30 tỷ USD. Ông Hứa bị rớt xuống vị trí thứ ba trong danh sách Hurun.
Các doanh nhân trẻ tuổi xuất hiện nhiều hơn trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Colin Huang Zheng - nhà sáng lập nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo - trở thành tỷ phú 8X tự thân đầu tiên lọt vào top 10 người giàu nhất Trung Quốc. Ông sở hữu khối tài sản 19 tỷ USD.
Tỷ phú Colin Huang Zheng. Ảnh: Reuters. |
Một tỷ phú 8X đình đám khác là Zhang Yiming, nhà sáng lập Bytedance - công ty mẹ của các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông nổi tiếng như Tik Tok và Toutiao. Zhang Yiming sở hữu khối tài sản 13,5 tỷ USD.
Trong khi đó, vị trí xếp hạng của CEO Huawei Nhậm Chính Phi cũng tăng lên vài chục bậc dù công ty này đang lao đao vì lệnh cấm vận của Mỹ. Hiện ông Nhậm sở hữu khối tài sản 3 tỷ USD và nằm trong top 200 người giàu nhất Trung Quốc.
Ngành dược phẩm và thực phẩm lên ngôi
Trong năm 2018 và 2019, giá thịt lợn tại Trung Quốc tăng vọt do dịch tả lợn châu Phi. Nhờ đó, một số công ty thực phẩm nước này kiếm lãi lớn. Tài sản của Qin Yinglin và Qian Ying - sở hữu Muyuan, công ty sản xuất thịt lợn lớn thứ hai Trung Quốc - tăng 300% lên 14 tỷ USD.
Trong khi đó, tài sản của vợ chồng Zhang Yong và Shu Ping - chủ sở hữu chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng Haidilao - tăng 100% lên 17 tỷ USD. Tuy nhiên thời gian qua chuỗi Haidilao bị nhiều người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay do tỷ phú Zhang Yong nhập quốc tịch Singapore.
Ngành dược phẩm Trung Quốc cũng có một năm ăn nên làm ra. Tài sản của vợ chồng Sun Piaoyang và Zhong Huijuan tăng gấp đôi lên 25 tỷ USD sau khi Công ty dược Hansoh niêm yết trên Sàn chứng khoán Hong Kong. Các đại gia dược phẩm chiếm 8% danh sách Hurun, gấp đôi so với 10 năm trước.
Các đại gia công nghệ ngày càng trở nên hùng mạnh và ảnh hưởng tại Trung Quốc, nhưng không phải khoản đầu tư nào vào công nghệ cũng đem lại hiệu quả. Li Bin, người sáng lập hãng sản xuất xe điện NIO, hiểu rất rõ vấn đề này.
Tỷ phú ngành dược Sun Piaoyang (ảnh) và vợ Zhong Huijuan đứng vị trí thứ 5 trong danh sách những người giàu nhất Trung Quốc. Ảnh: Forbes. |
Tổng tài sản của Li Bin sụt giảm hơn 50% xuống chỉ còn 860 triệu USD. Giá cổ phiếu của NIO trượt dốc tới 74% từ đầu năm 2019 do công ty vật lộn với tình trạng đầu tư quá lớn và nhu cầu xe điện ở Trung Quốc yếu ớt.
Trong khi đó, người sáng lập Xiaomi Lei Jun chứng kiến tổng tài sản bốc hơi 30% xuống còn 10,8 tỷ USD. Nguyên nhân là doanh số điện thoại thông minh của Xiaomi sụt giảm mạnh trên thị trường toàn cầu.
Nhìn chung, tài sản trung bình của 1.800 người giàu nhất Trung Quốc tăng khoảng 10% kể từ năm 2018 bất chấp việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang lao đao vì chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và tăng trưởng GDP sụt giảm.