Thủ tướng Trudeau, người được đón chào ở nhiều nơi trong vai trò một nhà lãnh đạo đề cao tư tưởng tiến bộ, tự do và khoan dung, vừa có chuyến công du 8 ngày "thảm họa" đến Ấn Độ.
Vấn đề xuất hiện ngay từ khoảnh khắc đầu thủ tướng Canada đặt chân xuống Ấn Độ. Người đón ông là bộ trưởng phụ trách nông nghiệp, "nhân vật cấp thấp" trong nội các. Thủ tướng Narendra Modi, người nổi tiếng với những cái ôm nồng thắm dành cho các lãnh đạo thế giới, không có mặt. Chỉ vừa tháng trước, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đáp xuống Delhi, điều đầu tiên ông nhận được là cái ôm từ Thủ tướng Modi. Ảnh: Reuters.
Ngày hôm sau đó, khi gia đình Thủ tướng Trudeau đến thăm đền Taj Mahal, một trong những biểu tượng của Ấn Độ, người tháp tùng ông lại là một quan chức cấp quận. Điều này càng làm dấy lên nghi vấn về việc chính phủ Ấn Độ đã cố tình "lơ" thủ tướng Canada. Ảnh: Reuters.
Truyền thông Ấn Độ lẫn Canada đều liên hệ thái độ này với cộng đồng người Sikh tại Canada. Vào thập niên 1980, những người Sikh đòi thành lập một nhà nước Khalistan của riêng họ, tách khỏi Ấn Độ. Hiện có khoảng 460.000 người Sikh sống tại Canada, chiếm 1,4% dân số nước này, và rất nhiều trong số họ vẫn ủng hộ một nhà nước độc lập cho người Sikh ở Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Năm 1984, quân đội Ấn Độ đã tràn vào ngôi đền thiêng của người Sikh ở bang Amritsar để bắt giữ thủ lĩnh của phong trào. Sau đó, thủ tướng Ấn Độ khi đó, Indira Gandhi đã bị chính 2 cận vệ người Sikh của bà ám sát. Bạo lực lan đến Canada vào năm 1985 khi những kẻ ly khai đánh bom một chiếc máy bay của Air India cất cánh từ Toronto và làm chết 329 người. Trong nội các của ông Trudeau hiện có 4 bộ trưởng người gốc Ấn, và tất cả đều là người Sikh. Trong ảnh, Thủ tướng Trudeau và Bộ trưởng Quốc phòng Harjit Singh Sajjan đến thăm ngôi đền thiêng của người Sikh. Ảnh: AP.
Cộng đồng người Sikh cũng là nhóm cử tri quan trọng thường ủng hộ ông Trudeau. Thủ tướng Canada đã xuất hiện trong một sự kiện của người Sikh tại Toronto vào năm 2017, nơi hình ảnh thủ lĩnh phong trào cực đoan bị giết vào năm 1984 lẫn những lá cờ ly khai được trưng bày. Ảnh: Văn phòng Thủ tướng Canada.
Trên Washington Post, nhà bình luận Barkha Dutt chỉ trích rằng trước sự nghiêm trọng lẫn nhạy cảm của vấn đề, Thủ tướng Trudeau lại tiếp tục vai diễn "soái ca" quen thuộc của ông một cách thiếu phù hợp. Trong khi đó, những người Ấn Độ, nhìn thấy chuyến đi quá dài và ông Trudeau thăm thú quá nhiều có thể tự hỏi: không phải ông ấy còn một đất nước phải điều hành sao?. Ảnh: AFP.
"Những điệu nhảy theo nhạc và hàng loạt lần thay đổi trang phục, từ kurtas đến shervanis, khiến ông ta trông như một diễn viên trên phim trường hoặc một vị khách trong đám cưới hơn là một chính trị gia đến đây để nói chuyện làm ăn. Trong thoáng chốc, tất cả sức hút, sự dễ thương trở nên giả tạo, và trên hết, không nghiêm túc", bà viết. Trên mạng xã hội, nhiều người tỏ ra khó chịu với việc ông Trudeau liên tục mặc trang phục truyền thống và nhảy các điệu nhảy Ấn Độ. "Ai đó làm ơn nói với ông ấy rằng người Ấn không sống như một bộ phim Bollywood 24/7 được không?", một người viết. Ảnh: Reuters.
Cao trào của "thảm họa" trong chuyến đi Ấn Độ của ông Trudeau là khi một nhân vật ly khai người Sikh, Jaspal Atwal được mời đến buổi tiệc chiêu đãi thủ tướng ở Delhi. Atwal từng bị kết tội mưu sát đối với một bộ trưởng Ấn Độ vào năm 1986. Vào lúc phía Canada nhận ra sai lầm "chết người" này và rút lại lời mời, Atwal đã kịp đăng tải bức ảnh chụp chung với bà Sophie, phu nhân ông Trudeau, tại Mumbai.
Ngoài ra, các nguồn tin của Washington Post nói rằng việc hậu cần của chuyến đi ngay từ đầu đã không được chuẩn bị tốt. Phía Ấn Độ muốn Canada cắt ngắn chuyến đi, hoặc ít ra là sắp xếp lại thứ tự sự kiện. New Delhi muốn chuyến công du của ông Trudeau bắt đầu bằng các cuộc gặp chính trị trước khi thủ tướng đi "tham quan". Những người Canada lại không muốn thế. Ảnh: AFP.
Ngoài ra, phía Canada muốn Thủ tướng Modi đi cùng Thủ tướng Trudeau đến bang "nhà" của ông Modi là Gujarat như đã từng làm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hoặc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Các quan chức Ấn Độ nói rằng ông Modi chỉ làm thế với những người đích thân ông mời đến bang "nhà" và việc ông ra sân bay đón các lãnh đạo cũng không thường xảy ra. "Có sự đứt gãy giữa kỳ vọng của Canada, những kỳ vọng khá vô lý, và những điều chúng tôi sẵn sàng làm", Vishnu Prakash, cựu đại sứ Ấn Độ tại Canada, cho biết. Vị này khẳng định sự tiếp đón ông Trudeau nhận được ở Canada là "đúng với lễ nghi bình thường". Ảnh:
AFP.
Sau 7 ngày bị báo chí miêu tả là "thảm họa", cuối cùng nhà lãnh đạo Canada đã được người đồng cấp Ấn Độ đón tiếp, với cái ôm chặt theo đúng phong cách thường thấy ở Modi. Thủ tướng Trudeau nhắc lại về lịch sử chung của 2 nước, miêu tả Ấn Độ là "một đối tác tự nhiên và một người bạn đáng tin cậy trong quan hệ thương mại". Thủ tướng Modi cũng nhấn mạnh mối liên hệ song phương. "Quan hệ của chúng ta dựa trên dân chủ, sự đa dạng, thượng tôn luật pháp và tương tác qua lại", CNN dẫn lời ông Modi. Ảnh: Reuters.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau kết thúc chuyến thăm Trung Quốc mà không thể bắt đầu đàm phán thỏa thuận thương mại tự do dù rất nhiều kỳ vọng trước đó.
Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã xin lỗi sau khi cơ quan giám sát cáo buộc ông vi phạm đạo đức vì chấp nhận kỳ nghỉ trên hòn đảo tư nhân của tỷ phú Aga Khan vào năm ngoái.
Với vẻ ngoài điển trai như tài tử, phong cách thanh lịch, cuốn hút mà gần gũi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau gần như chiếm trọn trái tim cư dân mạng Việt Nam những ngày qua.