Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trục xuất' ngựa sắt cao 3m khỏi đền Phù Đổng

Chiều 3/3, ông Trương Minh Tiến, Phó GĐ Sở VHTT&DL Hà Nội kiên quyết chỉ đạo UBND huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng đưa các hiện vật chưa xin phép ra khỏi di tích đền Phù Đổng.

Tại buổi làm việc với Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm, Sở cũng đề nghị huyện Gia Lâm kiểm điểm Trưởng ban và tập thể Ban quản lý di tích đền Phù Đổng, báo cáo lên Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội trong tháng 3 này.

Trước đó, một số doanh nghiệp và cá nhân cung tiến một số hiện vật vào thờ tự tại di tích đền Phù Đổng, huyện Gia Lâm mà chưa được phép của các cơ quan chức năng.

Một cảnh tái hiện các vị tướng thời xưa trong Lễ hội Gióng ở đền Phù Đổng.

Các hiện vật mới được cung tiến vào đền Phù Đổng gồm một ngựa sắt cao 3 mét, bộ áo giáp sắt và roi sắt. Ngựa sắt được đặt ngay trong sân di tích, còn bộ áo giáp sắt và roi sắt đặt trong gian thờ tự.

Theo báo cáo của huyện Gia Lâm và xã Phù Đổng, việc đưa hiện vật vào di tích thực hiện từ cuối năm 2013 và được sự đồng ý của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Phù Đổng và cũng là Trưởng Ban quản lý di tích đền Phù Đổng. Ủy ban Nhân dân xã Phù Đổng chưa có văn bản báo cáo lên Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm.

Tại buổi làm việc giữa các cơ quan chức năng về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm phụ trách khối văn xã thừa nhận đó là thiếu sót của cá nhân ông và Trưởng phòng văn hóa huyện về mặt quản lý Nhà nước các di tích trên địa bàn, đồng thời cam kết sẽ nghiêm túc khắc phục.

Cũng theo ông Thuần, sở dĩ việc đưa hiện vật ra khỏi di tích không thể thực hiện ngay trước mắt vì một số hiện vật quá lớn, di chuyển khó khăn.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm Nguyễn Ngọc Thuần đề xuất với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, sau khi khắc phục sai phạm sẽ xin phép tổ chức hội thảo mời các cơ quan chức năng, các nhà khoa học, đóng góp ý kiến về việc đưa các hiện vật trên vào đền Phù Đổng. Nếu được các cơ quan chức năng và các nhà khoa học thấy cần thiết, các hiện vật trên sẽ đưa vào di tích.

Cũng theo ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội, đền Phù Đổng là di tích được xếp hạng, mới đây được công nhận di tích cấp Quốc gia đặc biệt do vậy, việc đưa đồ thờ tự vào di tích nhất thiết phải xin phép Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Điều đáng nói là hàng năm, Ủy ban Nhân dân huyện Gia Lâm thường xuyên tổ chức tập huấn về Luật Di sản, có văn bản hướng dẫn về tiếp nhận, sử dụng đồ thờ tự, tiền công đức trong di tích nhưng sự việc trên vẫn xảy ra.

Đền Phù Đổng là nơi thờ Đức Thánh Gióng, nơi có lễ hội Gióng đã được ghi danh là di sản phi vật thể của nhân loại.

http://www.vietnamplus.vn/truc-xuat-do-cung-tien-chua-xin-phep-khoi-den-phu-dong/246692.vnp

Theo TTXVN

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm