Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trục xuất hai sư tử đá kiểu Trung Quốc đầu tiên

Chùa Gia Quất (Long Biên, Hà Nội) là nơi đầu tiên tiến hành đưa sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi di tích sau khi Bộ VHTT&DL ra công văn 2662.

Sau công văn số 2662 của Bộ VHTT&DL khuyến cáo “Không sử dụng hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mĩ tục nơi di tích công sở”, đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc đã được đưa ra khỏi chùa Gia Quất.

Ni sư Thích Đàm Hướng, trụ trì chùa Gia Quất cho biết, đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc đặt trước cổng chùa đã được di dời.

Chùa Gia Quất, quận Long Biên, Hà Nội là một trong những điểm thanh tra đột xuất ngày 22/8 của Bộ VHTT&DL. Đoàn do Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên dẫn đầu cùng đại diện thanh tra Bộ, Cục Di sản văn hóa và Sở VHTT&DL.

Đôi sư tử đá trước cửa chùa Gia Quất này là đôi đầu tiên được di dời sau công văn 2662. (Ảnh Trà Xanh)
Đôi sư tử đá trước cửa chùa Gia Quất này là đôi đầu tiên được di dời sau công văn 2662. Ảnh: Trà Xanh

Trong chuyến thăm đột xuất này, thanh tra đã trực tiếp chỉ ra những sai phạm của chùa trong bài trí cũng như việc tiếp nhận những hiện vật lạ như đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc, lục bình, hoa nhựa…

Trong buổi thanh tra, Ni sư trụ trì cho biết sẽ di dời sư tử đá vào ngày 24/8. Tuy nhiên, thầy đã thực hiện việc di dời ngay trong buổi chiều sau khi đoàn thanh tra đi khỏi.

“Nhà chùa đã trả lại cho thí chủ cung tiến và thí chủ này đã mang trả lại cho xưởng sản xuất đá”

Phó chánh thanh tra Bộ đang giải thích với ni sư trụ trì chùa Gia Quất về việc không nên có những hiện vật lạ trong di tích đã được xếp hạng vì như vậy là vi phạm Luật Di sản. (Ảnh Trà Xanh)
Phó chánh thanh tra Bộ đang giải thích với ni sư trụ trì chùa Gia Quất về việc không nên có những hiện vật lạ trong di tích đã được xếp hạng vì như vậy là vi phạm Luật Di sản. Ảnh: Trà Xanh

Ni sư Thích Đàm Hướng cho biết: “Các thầy không biết nên nếu có vi phạm điều gì thì thầy xin chấp hành nghiêm chỉnh cho nơi thờ tự của dân tộc Việt Nam được trang nghiêm tối hảo”.

Ni sư cũng cho biết, tất cả những sai sót mà thanh tra chỉ rõ đã được nhà chùa sửa sai.

Xử lý sư tử đá kiểu Trung Quốc thế nào?

Sở dĩ Ni sư Thích Đàm Hướng đã di dời được đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc sớm hơn dự kiến là vì người cung tiến đã chấp nhận nhận lại và mang trả lại cho xưởng sản xuất đá. Tức là việc di dời phụ thuộc khá nhiều vào người cung tiến.

Trả lại “hiện vật lạ” cho người cung tiến cũng là câu trả lời của Thứ trưởng Hồ Anh Tuấn đưa ra trong buổi họp báo ngày hôm nay khi phóng viên hỏi về việc xử lý những “hiện vật lạ”. Tuy nhiên, trên thực tế không phải cuộc di dời nào cũng đơn giản như trường hợp chùa Gia Quất. Có những trường hợp không liên hệ được với người cung tiến để trả lại.

Lập công viên sắp đặt những con sư tử đá kiểu Trung Quốc để nhắc nhở về một thời nhầm lẫn về văn hóa đáng tiếc trong lịch sử. (ảnh: Trà Xanh)
Lập công viên sắp đặt những con sư tử đá kiểu Trung Quốc để nhắc nhở về một thời nhầm lẫn về văn hóa đáng tiếc trong lịch sử. ảnh: Trà Xanh

Mục đích của cuộc “dọn dẹp” này là để trả lại cho các di tích cũng như các nơi công cộng của Việt Nam một vẻ đẹp văn hóa bản sắc, có gu văn hóa hợp thuần phong mĩ tục. Với những “hiện vật lạ” không phù hợp thuần phong mĩ tục thì dù có di dời thì để ở đâu cũng là không phù hợp. Với cách tư duy hiện nay thì chỉ đơn thuần là việc di dời từ nơi này sang nơi khác. Vì thế cần có một phương án để tránh rơi vào cảnh “thầy bói dọn cưới”.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế và Nguyễn Đức Bình cho rằng nên thu gom các sư tử đá kiểu Trung Quốc lại và đưa đến Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam do Bộ VHTT&DL đang quản lý để làm thành một công viên để nhắc nhở người dân về một sự nhầm lẫn về văn hóa đáng tiếc trong lịch sử. 

http://vov.vn/van-hoa/doi-su-tu-da-kieu-trung-quoc-dau-tien-da-duoc-di-doi-khoi-di-tich-348081.vov

Theo Trà Xanh/VOV

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm