Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trực thăng rơi ở TP HCM, 4 chiến sĩ hy sinh

Bốn chiến sĩ đã hy sinh trong vụ rơi trực thăng sáng 28/1, chỉ ít phút sau khi tổ phi công cất cánh từ sân bay Tân Sơn Nhất.

Báo Tiền Phong dẫn lời trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho hay do thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nguy hiểm, cả 4 quân nhân hy sinh trong vụ tai nạn kể trên sẽ được công nhận là liệt sỹ. Lễ truy điệu sẽ do Quân chủng Phòng không - Không quân tổ chức.

Còn bác sĩ Bệnh viện 175 (Bộ Quốc phòng) cho biết, nếu nhận dạng được các thi thể sẽ tổ chức tang lễ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Trong trường hợp không nhận dạng được, Bệnh viện sẽ làm các thủ tục xét nghiệm ADN để xác định danh tính trước khi mai táng.

Thân nhân các chiến sĩ đau đớn ở nhà tang lễ. Ảnh: Khánh Trung.

14h, thi thể 4 chiến sĩ hy sinh đã được đưa về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng trên đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp). Thân nhân các quân nhân tập trung rất đông, họ khóc ngất trước nỗi đau quá lớn, bất ngờ.

Trong khi đó, theo TTXVN, ông Võ Văn Thưởng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn máy bay này.

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể các chiến sĩ hy sinh ra khỏi hiện trường. Ảnh: TTXVN.
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại hiện trường. Ảnh: TTXVN.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, bác sĩ Nguyễn Đình Tổng, Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện 175 ( Bộ Quốc phòng) cho biết, bệnh viện đang triển khai công tác tiếp nhận và bảo quản thi thể các nạn nhân. 

Nếu nhận dạng được, sẽ tổ chức tang lễ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Trong trường hợp không nhận dạng được, Bệnh viện sẽ làm các thủ tục xét nghiệm ADN để xác định danh tính trước khi mai táng.

Hàng ngàn người tập trung theo dõi công tác cứu hộ. Ảnh: Lê Quân.

13h40, hiện trường vụ rơi máy bay vẫn đang bị phong tỏa nghiêm ngặt, các phóng viên chưa thể tiếp cận. Đã có thông tin về các chiến sĩ hy sinh. 

Các chiến sĩ hy sinh trong vụ rơi trực thăng:

1. Thượng tá Trần Văn Đức, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn không quân 917

2. Lê Hồng Quân, Thiếu tá, phi công kiêm dẫn đường trên không

3. Nguyễn Việt Cường, Trung úy, phi công đang đào tạo lái chính

4. Đỗ Văn Chính, Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp, nhân viên cơ giới trên không.

13h20, xe cứu thương đang đưa thi thể 4 chiến sĩ về nhà tang lễ trên đường Phạm Ngũ Lão (quận Gò Vấp). 

13h, theo thông tin mới nhất, các chiến sĩ hy sinh đều thuộc trung đoàn 917, sư đoàn không quân 370, quân chủng Phòng không không quân. Một cựu phi công quân sự và là giảng viên huấn luyện bay cho biết trên báo Tuổi trẻ máy bay quân sự thường bay ở độ cao 300 - 1.000 mét. Theo vị này, nếu bay càng cao thì khả năng sống sót của người trên máy bay càng lớn.

Xe cứu thương đang đưa các chiến sĩ về nhà tang lễ. Ảnh: Lê Quân.

12h45, bà Hoa, người vừa tiếp cận hiện trường cách 200 m, cho biết bà thấy phần đầu và cánh tách làm 2, bay hai nơi. Tại nông trường này đang tập trung hàng ngàn người để theo dõi vụ việc. Các lực lượng dân quân, thợ lặn... cũng đã có mặt.

12h10, hiện lực lượng PCCC, cứu thương của TP HCM đã tập trung về khu vực Nông trường Phạm Văn Hai (xã Phạm Văn Hai) để tham gia cứu nạn. Phóng viên Nguyễn Quang gọi điện từ hiện trường cho biết công an, quân đội và dân quân tự vệ đang phong tỏa nghiêm ngặt một vùng rộng lớn để phục vụ công tác cứu hộ.

"Sự việc xảy ra vào khoảng 7h30, khi đó tôi nghe một tiếng rầm khá lớn", bà Hai, ngụ gần hiện trường, kể.

Người dân đang tụ tập rất đông theo dõi tại hiện trường. Trong khi một vùng rộng lớn quanh hiện trường được phong tỏa. Ảnh: Nguyễn Quang. 

12h, Ban chỉ huy quân sự, công an xã Phạm Văn Hai cùng với lực lượng cứu hộ đã tiếp cận được hiện trường. Toàn bộ lực lượng khẩn trương thực hiện các phương án cứu hộ. 

11h40, trung tướng Võ Văn Tuấn - Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN - xác nhận 4 chiến sĩ trên máy bay đã tử vong. Danh tính các quân nhân này chưa được công bố. 

"Hiện chúng tôi vẫn chưa tiếp cận được hiện trường máy bay rơi", đại diện xã cho biết. 

Theo Giám đốc PCCC TP.HCM đơn vị đã cử nhiều xe chữa cháy và các chiến sĩ đến xã Phạm Văn Hai để tham gia cứu nạn cứu hộ.

Mô phỏng vị trí máy bay rơi. Đồ họa: Nguyên Anh.
Mô phỏng vị trí máy bay rơi. Đồ họa: Nguyên Anh.

11h30, lãnh đạo xã Phạm Văn Hai - cho hay máy bay quân sự UH-1 rơi lúc hơn 9h cùng ngày. Địa phương đang huy động toàn bộ lực lượng công an xã, Ban chỉ huy quân sự xã cùng các xã lân cận. 

11h, trung tướng Võ Văn Tuấn xác nhận, máy bay trực thăng UH-1 của Không quân Việt Nam đã rơi tại ấp 4, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh, TP.HCM. 

Trung tướng Tuấn chưa xác nhận số người thương vong và cho biết công tác cứu hộ đang tích cực được triển khai. 

10h50, trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó tổng tham mưu trưởng QĐND VN, xác nhận với Zing.vn, một máy bay quân sự UH-1 đã mất tích sau khi rời khỏi sân bay Tân Sơn Nhất vài phút. 

Trong sáng nay, chiếc UH-1 thực hiện kế hoạch bay huấn luyện. Trên máy bay có 4 phi công cất cánh khỏi sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 7h23 và mất liên lạc với mặt đất vào lúc 7h30. Vị trí mất liên lạc trên vùng trời Củ Chi, TP HCM. 

Hiện, các lực lượng chức năng đang tổ chức tìm kiếm, cứu hộ.
Một chiếc UH-1 Iroquois, loại máy bay trực thăng do hãng Bell chế tạo.
Một chiếc UH-1 Iroquois, loại máy bay trực thăng do hãng Bell chế tạo.

Máy bay UH1 dài 17,4 m; cao xấp xỉ 4,4 m; trọng lượng rỗng hơn 2,3 tấn, có tải 4,1 tấn, trọng lượng cất cánh tối đa hơn 4,3 tấn. Máy bay có tốc độ tối đa 217 km/h, tầm bay chuyển sân 507 km, trần bay 5.910 m. Sức chứa 14 người.

UH-1 Iroquois là loại máy bay trực thăng quân sự đa năng do hãng Bell chế tạo, UH-1 rất nổi tiếng và được coi là một trong những biểu tượng của chiến tranh Việt Nam, nó thường được biết dưới tên dùng trong Thủy quân lục chiến Mỹ là Huey.

Liên quan tới tai nạn trong huấn luyện bay, sáng 7/7/2014, chiếc trực thăng Mi171 mang số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916 (Sư đoàn Không quân 371, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân) gặp sự cố rơi xuống vườn cây gần khu dân cư tại thôn Hòa Lạc (xã Bình Yên, huyện Thạch Thất, Hà Nội), cách sân bay Hòa Lạc khoảng 3 km. 16 chiến sĩ tử nạn, 5 người nhập viện trong tình trạng bỏng nặng. Trong quá trình điều trị, 4 chiến sĩ cùng chuyến bay huấn luyện không qua khỏi.

4 tháng giành sự sống của chiến sĩ vụ rơi trực thăng

Suốt 4 tháng, gia đình, đồng đội có những lúc tưởng chừng buông xuôi, thậm chí chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi hai người đồng đội của trung úy Dương lần lượt ra đi.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm